Trồng nấm linh chi dưới tán rừng

Từ diện tích 3,5ha rừng tự nhiên nhận giao khoán bảo vệ, bà Mai Thị Thái (xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, Đắk Nông) đã trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng. Mô hình thành công đã mở ra hướng phát triển mới, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương, tạo sinh kế cho người giữ rừng, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số bản địa.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của bà Mai Thị Thái.
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng của bà Mai Thị Thái.

Năm 2015, bà Mai Thị Thái đến thôn 8, xã Đắk Búk So lập nghiệp, nhận thấy khu vực thác Đắk Búk So còn một số diện tích rừng tự nhiên trước đây giao cho người đồng bào tại chỗ quản lý nhưng không hiệu quả, nên đã đề xuất với chính quyền địa phương nhận khoán chăm sóc, bảo vệ.

Quá trình bảo vệ rừng, bà Thái thường thấy người dân địa phương vào rừng để khai thác các loài dược liệu làm thuốc dân gian nên đã nảy sinh ý tưởng phát triển và bảo tồn dược liệu dưới tán rừng. Dựa vào điều kiện tự nhiên của rừng, bà Thái đã tìm hiểu tài liệu, tham khảo qua một số nhà khoa học và quyết định phát triển kinh tế bằng mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng.

Đầu năm 2021, bà Thái quyết định trồng 15 nghìn phôi giống nấm linh chi dưới tán rừng, trên diện tích khoảng 300m2. Sau khi cải tạo đất xong, bà Thái trồng với mật độ 16 phôi nấm linh chi trên 1m2, lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương để tạo độ ẩm vào mùa khô hạn…

Khoảng 4 tháng, 16 phôi nấm linh chi cho thu hoạch hơn 1,3kg nấm thành phẩm tươi, gần 0,6g nấm khô. Sản phẩm nấm được bà Thái bán với giá 900 nghìn đồng/kg khô, sau khi trừ chi phí, mỗi kilogam nấm khô, người trồng có lãi từ 270 đến 360 nghìn đồng.

Bà Thái cho biết, nấm linh chi rất dễ trồng, dễ chăm sóc, phôi nấm được cấy trực tiếp vào thân cây trước khi trồng trực tiếp xuống đất. Sau khi xuống giống, người trồng chỉ cần kiểm tra độ ẩm của đất, không cần bón phân vì ban đầu cấy mô đã cấy dưỡng chất, nếu mùa khô thì phải tưới nước phù hợp để giữ ẩm, giúp cân bằng lượng nước cho nấm phát triển. Phôi nấm giống chỉ trồng một lần nhưng cho thu hoạch cả năm.

Lần thu đầu khoảng 4 tháng sau khi xuống giống, sau đó tại vết cắt 5 ngày tiếp tục mọc ra nấm con và lần lượt thu lần thứ 2 và 3 cách nhau 3 đến 5 tháng. Theo tính toán của bà Thái, nếu quá trình trồng nấm thuận lợi thì 1.000m2 nấm linh chi trồng dưới tán rừng, mỗi năm sau khi trừ chi phí có thể mang lại thu nhập đến 800 triệu đồng.

Kết quả mô hình trồng nấm linh chi dưới tán rừng của bà Thái cho thấy, nấm trồng dưới tán rừng phát triển tốt, có dược tính cao, rất phù hợp để phát triển kinh tế, nhất là tạo sinh kế gắn với mô hình nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng, có thể giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ, phát triển rừng song song với việc cải thiện thu nhập, đời sống cho đồng bào dân tộc bản địa.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức Phan Thị Kim Loan cho biết, sản phẩm nấm linh chi đỏ có tính dược liệu cao và rất nhiều hoạt chất có hàm lượng dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Loại nấm này có thể sử dụng tươi, khô hoặc nghiền thành bột để làm thức ăn hoặc làm dược liệu.

Thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình trên địa bàn toàn huyện nhằm giải quyết được bài toán tạo sinh kế dưới tán rừng cho người dân, nhất là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện đang nhận khoán bảo vệ rừng cộng đồng.

PHAN THỊ KIM LOAN

Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức

Ngoài việc mang lại nguồn cây dược liệu quý, giá trị kinh tế cao, sau khi khai thác nấm thì rễ nấm tự hoại trong đất trở thành nguồn phân bón dinh dưỡng hữu cơ rất tốt, góp phần bảo vệ đất, nước và môi trường.

Để mở rộng diện tích, phát triển mô hình và nhân rộng cho người dân địa phương, bà Thái đã chủ động đem sản phẩm nấm trồng đi kiểm nghiệm và cho kết quả rất tốt, có dược tính cao hơn cả một số nấm linh chi ngoại nhập.

Hiện nay, bà Thái đã thành lập Hợp tác xã VOS Đắk Nông để hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp phôi giống, bao tiêu sản phẩm nấm linh chi cho người dân địa phương.