Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc

NDO - Sáng 26/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Cơ quan bảo vệ Bản quyền Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc năm 2024 với chủ đề Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh diễn đàn.
Quang cảnh diễn đàn.

Để đáp ứng yêu cầu quản lý và thực thi trong nước và hội nhập quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, năm 2022, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.

Cùng thời gian đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, trình các cấp có thẩm quyền đề xuất gia nhập 2 Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trên không gian mạng: Hiệp ước về quyền tác giả (WCT), có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 17/2/2022 và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 1/7/2022.

Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc ảnh 1

Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu khai mạc.

Trong năm 2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ về Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan (nhằm thay thế Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và hiệu quả thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan).

Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục bản quyền tác giả, cho biết, Diễn đàn bản quyền Việt Nam-Hàn Quốc là một trong những hoạt động thường niên để triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc được ký kết năm 2013.

Diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề Chính sách bản quyền trên môi trường số và phương án hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt tập trung vào nội dung bảo hộ quyền tác giả âm nhạc.

Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc ảnh 3

Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc, đọc diễn văn chào mừng.

Sự xuất hiện của các công nghệ mới như AI và các thiết bị khác nhau đang thay đổi mô hình tiêu thụ và sáng tạo nội dung. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thị trường bản quyền.

Bà Lee Young Ah, Trưởng phòng Hợp tác thương mại văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc

Việc khai thác, sử dụng tác phẩm âm nhạc hiện nay, đặc biệt là việc cấp phép sử dụng xuyên biên giới trên không gian mạng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Nhiều hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc được thực hiện thông qua các hành vi chiếm đoạt, mạo danh tác giả, chủ sở hữu quyền; sao chép, công bố, phân phối tác phẩm, sửa chữa tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu, gây thiệt hại đáng kể cho các chủ thể quyền, đồng thời cũng gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý, thực thi trong việc phát hiện và xử lý.

Trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc ảnh 4

Đông đảo đại biểu đến tham dự diễn đàn.

Tại diễn đàn này, bên cạnh việc trao đổi thông tin và kinh nghiệm về bảo hộ quyền tác giả giữa Việt Nam và Hàn Quốc, trong đó có vai trò quan trọng của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các nhà cung cấp dịch vụ trung gian của hai quốc gia.

Các báo cáo viên và các đại biểu có những đề xuất giải pháp cụ thể về mặt pháp lý cũng như công nghệ để góp phần thực hiện có hiệu quả các nội dung về quyền tác giả nói chung, quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc nói riêng.

Diễn đàn cũng là cơ hội để Việt Nam có được những bài học kinh nghiệm quý báu từ các bạn Hàn Quốc trong việc quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và phát triển công nghiệp văn hóa nói chung, công nghiệp âm nhạc nói riêng.