Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham gia của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đại diện các điểm đến du lịch và chuyên gia du lịch giữa hai quốc gia.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy khẳng định: Việt Nam, với cảnh quan thiên nhiên phong phú và nền văn hóa giàu bản sắc, đa dạng, đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Trong đó, Nhật Bản luôn là một trong những thị trường quan trọng hàng đầu. Thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực phát triển các sản phẩm du lịch mới và sáng tạo dựa trên các giá trị di sản văn hóa. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển là những thách thức to lớn về việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.
“Chúng ta nhận thấy rằng, trong bối cảnh phát triển kinh tế và xã hội mạnh mẽ, việc duy trì sự cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo tồn di sản là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Việt Nam, với nguồn tài nguyên du lịch là những di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể, luôn ý thức sâu sắc về trách nhiệm bảo tồn những giá trị văn hóa này cho các thế hệ tương lai”- ông Phạm Văn Thủy nhấn mạnh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, trong hơn 50 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch. Nhật Bản là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam trong các dự án phát triển du lịch bền vững. Hai nước luôn nỗ lực hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, quản lý du lịch tại các điểm di sản, phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa.
“Tôi tin rằng, hội thảo hôm nay sẽ mang đến những cuộc trao đổi sôi nổi, tạo ra những ý tưởng sáng tạo và những bài học quý báu cho cả hai bên. Chúng ta không chỉ mong muốn phát triển du lịch bền vững về mặt kinh tế, mà còn về môi trường và xã hội, để từ đó xây dựng một tương lai nơi du lịch không chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, mà còn tạo ra giá trị lâu dài”- Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam bày tỏ.
Hội thảo có sự tham gia thảo luận của đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, đại diện các điểm đến du lịch, và chuyên gia du lịch giữa hai quốc gia. |
Tại hội thảo, các đại biểu, chuyên gia du lịch của hai nước đã cùng thảo luận về những chính sách, giải pháp cụ thể để tối ưu hóa việc bảo tồn và phát triển bền vững các giá trị văn hóa, mà không gây áp lực quá lớn lên môi trường và di sản.
Ông Kawada Atsuya, Giám đốc Vụ Chiến lược Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Nhật Bản cho biết: Tính bền vững về môi trường, văn hóa xã hội và kinh tế chính là những yếu tố cần thiết để một điểm đến du lịch vẫn tiếp tục phát triển mà vẫn bảo tồn được các giá trị và truyền lại cho thế hệ mai sau. Dựa trên những tiêu chuẩn quốc tế liên quan các yếu tố này, Nhật Bản đã ban hành Hướng dẫn Du lịch bền vững Nhật Bản (JSTS-D), đồng thời cung cấp nhiều gói hỗ trợ khác nhau cho chính quyền địa phương và các DMO (tổ chức quản lý điểm đến) thực hiện việc quản lý điểm đến du lịch bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm tạo ra sự phát triển bền vững cho làng Shirakawa, Nhật Bản - nơi được Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc vinh danh Làng Du lịch tốt nhất năm 2023, cũng là điểm đang áp dụng Hướng dẫn JSTS-D, ông Iwamoto Kazuya, Phó Thị trưởng-Ban Quản lý làng thông tin: đây là một trong những ngôi làng cổ xưa nhất tại xứ sở phù tang hiện đang có 603 hộ gia đình sinh sống, nên công tác vừa bảo tồn, vừa phát triển vô cùng quan trọng.
Để bảo tồn vẻ đẹp cảnh quan di sản của làng, một quy định đã được đưa ra: dân không được bán nhà, không được cho thuê nhà, không được phá dỡ nhà. Hội Bảo tồn làng, gồm các thành viên do dân đề cử cũng đã được lập ra, để nâng cao ý thức gìn giữ, bảo tồn làng của người dân. Hằng năm, làng cần tới hàng trăm nghìn USD chi cho hoạt động bảo tồn làng, nhất là với phần mái lợp bằng lá, và chi phí này được trích từ khoản hỗ trợ và 30% phí đỗ xe của khách tham quan. Đây là cách giúp tạo ra vòng tuần hoàn bền vững cho các khoản kinh phí bảo tồn.
Các đại biểu chia sẻ, đề xuất các giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch. |
Bên cạnh đó, để điểm đến không bị quá tải, làng chủ động khống chế lượng xe ở bãi đỗ xe không vượt quá con số quy định. Đây là con số đã được tính toán dựa trên sự tư vấn của Bộ Đất đai Nhật Bản. Nhằm nâng cao ý thức của du khách trong bảo vệ môi trường cảnh quan, bộ quy tắc ứng xử dưới hình thức truyện tranh cũng đã được làng xây dựng, kết hợp hệ thống bảng, biển hướng dẫn…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong khai thác du lịch, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển văn hóa, có cơ chế ưu tiên hỗ trợ nguồn lực cho công tác điều tra, kiểm kê, đánh giá tài nguyên di sản và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên di sản trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, cần chú ý phát triển du lịch văn hóa phải dựa trên cơ sở tôn trọng cộng đồng, không trái với lợi ích, nguyên tắc cộng đồng, phát huy vai trò, khuyến khích người dân ở các vùng di sản tham gia, hưởng lợi từ hoạt động du lịch; đồng thời có chính sách hỗ trợ tài chính phù hợp cho những dự án bảo tồn, phát huy di sản, ban hành các quy định liên quan để tăng cường giám sát, quản lý hoạt động du lịch theo hướng bền vững…