Khai thác giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch

Nước ta có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú và vô cùng quý giá, là điều kiện để khai thác phát triển du lịch bền vững. Vấn đề là khai thác kho tàng ấy như thế nào để vừa hiệu quả, vừa lâu bền ?

Biểu diễn hát bài chòi phục vụ du khách tại Hội An (Quảng Nam).
Biểu diễn hát bài chòi phục vụ du khách tại Hội An (Quảng Nam).

Trong hàng chục nghìn di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh của nước ta, đã có 85 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 3.329 di tích xếp hạng di tích quốc gia và 9.857 di tích cấp tỉnh. Cho đến nay, đã có tám di sản vật thể và danh thắng được công nhận Di sản thế giới là: Quần thể di tích Cố đô Huế, Vịnh Hạ Long, Khu di tích Mỹ Sơn, Khu phố cổ Hội An, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành Nhà Hồ, Khu danh thắng Tràng An. Kho tàng di sản văn hóa Việt Nam còn bao gồm các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu như các phong tục, tập quán, lễ hội, nghệ thuật diễn xướng, các ngành nghề thủ công truyền thống, những giá trị nổi trội về y dược cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc Việt Nam... Đã có 11 di sản được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp: Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Ca trù, Lễ hội Đền Gióng, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Đàn ca tài tử Nam Bộ, Dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, Kéo co, Tín ngưỡng thờ Tam Phủ.

Các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể Việt Nam đã trở thành nguồn tài nguyên nhân văn vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững khi Nhà nước chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong những năm qua, di sản văn hóa luôn luôn có vai trò tích cực trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa và giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Tiềm năng của các di sản văn hóa đã và đang phát huy mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Doanh thu du lịch thông qua bán vé các loại hình dịch vụ tại các điểm du lịch có Di sản văn hóa thế giới ngày càng tăng, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân. Theo thông tin từ Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quần thể di tích Cố đô Huế có doanh thu từ năm 2012 đến 2015 tăng gấp đôi, từ 104 tỷ đồng lên 207 tỷ đồng. Trong khi đó, ở quần thể danh thắng Tràng An, doanh thu từ 355 tỷ đồng năm 2012 đã tăng lên 410 tỷ đồng trong năm 2015... Hiện tại, hầu hết các địa phương đều xác định thế mạnh của các di sản văn hóa để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và nhiều nơi đã tạo thành những thương hiệu nổi tiếng: Khu vực miền trung có thương hiệu “Con đường di sản”; các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có thương hiệu sản phẩm du lịch “Tinh hoa Việt Nam” hội tụ các sản phẩm du lịch đặc sắc nhất tại khu vực, bao gồm lịch sử văn hóa, các di sản, thiên nhiên, biển đảo và thành phố; Quảng Nam xây dựng hình ảnh “Quảng Nam - Điểm đến hai di sản thế giới”. Thành phố Hội An có thương hiệu gắn với làng nghề thông qua Lễ hội đèn lồng; Thừa Thiên - Huế có sản phẩm du lịch “Festival Huế” từ nhiều năm nay; Quảng Ninh có lễ hội đường phố Các-na-van Hạ Long; Hải Phòng có Lễ hội hoa phượng đỏ... Các tua, tuyến du lịch lên các tỉnh vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc cũng ngày càng phát triển.

Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch các địa phương từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho từng địa phương. Năm 2016, nước ta đã đón mười triệu lượt khách du lịch quốc tế và hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước, trong đó lượng khách du lịch tham quan di tích và dự các lễ hội di sản chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa trong phát triển du lịch bền vững vẫn còn nhiều hạn chế. Những hạn chế chung thường gặp của du lịch Việt Nam là cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, tình trạng xâm hại cảnh quan; môi trường sinh thái và vệ sinh an toàn thực phẩm chưa bảo đảm; chất lượng nguồn nhân lực du lịch, nhất là đội ngũ hướng dẫn viên còn yếu; việc khai thác thế mạnh, tiềm năng di sản chưa đạt hiệu quả cao. Sản phẩm du lịch di sản còn thiếu tính đặc sắc, đơn điệu, chủ yếu mới phát huy những yếu tố lợi thế sẵn có, ít tính sáng tạo, do vậy giá trị còn thấp.

Trong lúc thiếu sự đầu tư, sáng tạo để phát huy giá trị của di sản phục vụ du lịch thì một vấn đề cấp bách đang đặt ra là phải bảo vệ, giữ gìn kho tàng di sản văn hóa trước tác động của thiên nhiên và con người. Hà Nội có 5.847 di tích thì đã có 2.000 di tích xuống cấp, trong đó có hơn 200 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Ngay cả quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, song vẫn còn khoảng 400 di tích đang ở trong tình trạng hư hỏng, đổ nát. Biểu tượng văn hóa lâu đời của phố cổ Hội An là chùa Cầu hiện có nhiều vết nứt, các lớp vữa trên mố cầu bong tróc và hằng ngày vẫn phải đón hàng nghìn người dân và du khách qua lại. Trong khi đó, nhiều công trình xây mới đã phá vỡ cảnh quan, môi trường di sản, thậm chí có cả những vi phạm ở chùa Hương, Yên Tử... Lễ hội truyền thống dân tộc dịp đầu Xuân thu hút rất đông khách đã khiến các di tích quá tải và chịu tác động tiêu cực.

Trước thực trạng đó, ngành du lịch phải có trách nhiệm phối hợp các cơ quan chức năng, các địa phương góp sức vào việc bảo tồn di sản văn hóa, đưa vào khai thác những nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quý giá một cách hợp lý, không tận thu tài nguyên, gây xâm hại di tích.