Tránh “đầu voi, đuôi chuột” trong xử lý vi phạm phòng cháy, chữa cháy

Chiều 21/9, kết luận hội nghị giao ban trực tuyến quý III/2023 giữa Thường trực Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu phải tăng cường hơn nữa vai trò của cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng cháy, chữa cháy, bởi có lúc có nơi còn buông lỏng quản lý, thiếu chặt chẽ.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị chiều 21/9.
Quang cảnh hội nghị chiều 21/9.

Tại hội nghị, lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đã quán triệt và triển khai Chỉ thị số 25 của Thành ủy về tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới.

Đại diện các địa phương, đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là sau vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Đống Đa Lê Tuấn Định, với đặc thù địa bàn quận có nhiều ngõ nhỏ, ngõ sâu, xe cứu hỏa khó tiếp cận, việc tính toán phương án, như: Đầu tư xây dựng hệ thống ống chờ nước cứu hỏa tại các ngõ, ngách sâu, sẵn sàng kết nối nguồn nước chữa cháy từ các điểm xe chữa cháy có thể tiếp cận được và từ các trụ nước cứu hỏa sẵn có là một trong những giải pháp mà quận kiến nghị thành phố thực hiện.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân Võ Đăng Dũng cho biết, ngay sau vụ cháy tại phường Khương Đình, quận đã thành lập 2 đoàn kiểm tra với 14 tổ thực hiện rà soát khoảng 1.900 chung cư mini và nhà trọ cao tầng cho thuê trên địa bàn. Quận cũng sẽ gắn trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức, cơ quan, đơn vị để xem xét trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ.

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng cháy, chữa cháy thời gian qua.

Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hóa, tăng dân số nhanh, nhưng hạ tầng, trang thiết bị về phòng cháy, chữa cháy lại chưa đáp ứng so với yêu cầu thực tế.

Đáng chú ý, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý nhà nước của chính quyền địa phương ở một số nơi về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có lúc, có nơi còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ, đồng bộ; công tác quản lý trật tự xây dựng có nơi chưa tốt, vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép còn xảy ra…

Do đó, cùng với việc thực hiện nghiêm Chỉ thị số 25-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; Kế hoạch số 234/KH-UBND ngày 15/9/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mini), cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê trọ trên toàn địa bàn thành phố, đồng chí yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền cần coi công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ là vấn đề quan trọng; nghiêm túc nhìn nhận ngay từ khâu tổ chức thực hiện, tránh hình thức “đầu voi, đuôi chuột”.

Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phải được triển khai thật nghiêm khắc để phòng ngừa.

Đồng chí cũng yêu cầu lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tích cực chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành, các cấp đổi mới về nội dung, hình thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, biên tập thành chương trình cụ thể để hướng dẫn và thông tin, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

“Để khắc phục cho được những tồn tại, yếu kém trong công tác phòng cháy chữa cháy trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố cần chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện việc xây dựng Đề án tổng thể về nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để trình Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy theo thẩm quyền”, đồng chí nói.