Thước đo năng lực của đội ngũ cán bộ

Bài 3: Kinh nghiệm tốt từ sự nêu gương

Sự gương mẫu từ những người đứng đầu đã thành điểm tựa vững chắc, góp phần quan trọng cùng với hệ thống chính trị và nhân dân đồng thuận trong phòng, chống dịch bệnh. Đây là bài học kinh nghiệm quan trọng để Hà Nội vững tin hơn, khi không chỉ chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, mà còn từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong nhiệm kỳ này.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Văn Chương, quận Đống Đa.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại phường Văn Chương, quận Đống Đa.

“Hơn lúc nào, các cán bộ chủ chốt các cấp, trước hết là đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND các cấp phải nhận thức sâu sắc rằng, phòng, chống dịch Covid-19 là sứ mệnh, là nhiệm vụ chính trị ưu tiên số một để bảo vệ an toàn, tính mạng nhân dân, bảo vệ cuộc sống bình yên của Thủ đô, của đất nước”, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã nhắc lại yêu cầu này nhiều lần khi chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

Công việc như tiếp thêm năng lượng

Tinh thần ấy được thể hiện rõ từ các đồng chí trong Thường trực và Ban Thường vụ Thành ủy khi có mặt ngay tại các “điểm nóng”, bất kể ngày đêm. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Chu Ngọc Anh đã đến các ổ dịch ở phường Văn Miếu, Thanh Xuân Trung, trực tiếp gặp gỡ người dân, lực lượng tham gia chống dịch để động viên, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả hơn.

Phòng họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp gần như ngày nào cũng sáng đèn, làm sao để nhanh hơn một bước, chặn đà lây lan của dịch. Sự gương mẫu, đi đầu ấy đã tạo sự lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến cơ sở. Từ đó, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo đã được các địa phương, đơn vị chủ động triển khai. Như mô hình cách ly ba lớp ở huyện Đông Anh, “vùng xanh an toàn”, rồi “vùng xanh doanh nghiệp” của quận Hoàng Mai, đi chợ hộ ở quận Tây Hồ, kiểm soát người đi lại trong thời gian giãn cách tại phường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm)… tạo thành những lá chắn hữu hiệu chống dịch. Đây cũng chính là thước đo rõ nét về năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là năng lực chỉ đạo, điều hành của cán bộ chủ chốt.

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Bùi Hoàng Phan cho biết: “Trước diễn biến phức tạp của dịch, nhiều đêm Thường trực huyện ủy trực chiến, họp bàn đưa ra các phương án và xuống cơ sở trực tiếp xử lý ngay với những tình huống đột xuất. Khi cán bộ chủ chốt quyết liệt, cùng lăn lộn với cơ sở sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa rất tốt, giúp chất lượng công việc nâng lên rõ rệt, người dân tin tưởng hơn rất nhiều”. Với Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Anh Quân, điều này càng “thấm” hơn, nếu không trực tiếp xuống ăn, ngủ ở địa bàn sẽ khó mà thấu hiểu, khó mà vận động người dân cùng chung tay. Còn với Bí thư Đảng ủy phường Mai Động (quận Hoàng Mai) Đặng Thị Thanh Bình những ngày đứng chốt ở “vùng xanh” các khu dân cư cùng người dân, chị lúc nào cũng cười tươi: “Công việc như tiếp thêm năng lượng, khiến chúng tôi cảm thấy càng làm càng khỏe ra”.

Trạng thái mới, yêu cầu cũ

Khi kiểm tra thực địa tại huyện Hoài Đức trong thời gian giãn cách xã hội, lãnh đạo thành phố đã nghiêm khắc phê bình việc phòng, chống dịch Covid-19 của huyện theo Chỉ thị số 17/CT-UBND chưa đạt yêu cầu. Còn có biểu hiện “chặt ngoài, lỏng trong”, nhất là đi sâu vào các thôn, xóm còn tình trạng nhiều hàng, quán không thiết yếu vẫn hoạt động; nhiều người dân không tuân thủ đúng quy định giãn cách.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, Ban Thường vụ Thành ủy đã phân công cụ thể nhiệm vụ cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phải sát sao với địa bàn phụ trách. Nếu quận, huyện, thị xã còn chưa thực hiện tốt nhiệm vụ giãn cách xã hội thì đồng chí đó phải trực tiếp “ba cùng” với địa phương để thực hiện. Tương tự, Ban Thường vụ các quận, huyện, thị xã cũng phân công, gắn trách nhiệm từng cá nhân với địa bàn phụ trách. Nơi nào làm tốt, có sáng kiến, sáng tạo thì biểu dương, tuyên truyền động viên ngay; nơi nào thiếu trách nhiệm, làm chưa tốt phải phê bình, kỷ luật nghiêm; lấy hiệu quả thực hiện làm “thước đo” năng lực, uy tín, trách nhiệm cán bộ. Bởi thành phố muốn có kết quả tốt, thì từng quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đến thôn, xóm, tổ dân phố, khu dân cư phải thực hiện thật tốt; vì chỉ cần một, hai nơi lơ là, chểnh mảng, cả thành phố phải vất vả làm lại từ đầu. “Do đó thực hiện giãn cách xã hội phải quyết liệt như mệnh lệnh thời chiến, trên sôi sục thì dưới cũng phải sục sôi”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, một số vụ việc, một số nơi lơ là đã được cương quyết xử lý. Huyện Thanh Oai đã có văn bản phê bình lãnh đạo năm xã còn tình trạng buông lỏng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Dù chưa đến mức kỷ luật, nhưng sự nhắc nhở kịp thời này đã giúp lãnh đạo các địa phương chấn chỉnh kịp thời những thiếu sót. Ở mức nặng hơn, UBND huyện Đan Phượng đã kỷ luật cảnh cáo đối với Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An vì liên quan đến việc để người dân trong xã tập trung đông người trong một đám tang tại địa phương, khi thành phố đang giãn cách xã hội. Đây là những quyết định cần thiết để lập lại kỷ cương, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch.

Khi Hà Nội chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình mới, khó khăn còn rất lớn, khi làm sao vừa bảo đảm kiểm soát dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển sản xuất, chăm lo đời sống người dân. Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cho biết, thành phố tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2022 là năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, yêu cầu tiếp tục siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn. Nơi nào lơ là, chủ quan, mất cảnh giác để lây lan dịch bệnh thì nhất quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu và các bộ phận, cán bộ, công chức liên quan.

Người đứng đầu Đảng bộ thành phố yêu cầu các cấp, các ngành phải bắt tay ngay vào tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch đã đề ra; thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để sớm phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của cả nhiệm kỳ đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 17.

Khó khăn còn nhiều, thử thách còn lớn, nhưng với nỗ lực của đội ngũ cán bộ các cấp thời gian qua, cùng sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, mong rằng Hà Nội sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

KIỀU HƯƠNG-QUỐC TOẢN

(*) Xem Trang Hà Nội, Báo Nhân Dân số ra các ngày 30/11 và 3/12/2021.