Ổn định sản xuất nông nghiệp những tháng cuối năm

Ngay sau khi thành phố Hà Nội thực hiện phân vùng để phòng, chống dịch, phần lớn vùng sản xuất nông nghiệp của thành phố được nới lỏng nhiều hoạt động. Ngành nông nghiệp và các địa phương tập trung đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân. 
 

Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Lê Thị Ngân ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì) duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong thời gian giãn cách. Ảnh: vũ sinh
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình chị Lê Thị Ngân ở xã Phú Châu (huyện Ba Vì) duy trì sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm trong thời gian giãn cách. Ảnh: vũ sinh

Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng tám tháng qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn tăng trưởng. Diện tích gieo trồng rau màu các loại đạt gần 28.460 ha, với sản lượng khoảng 520.000 tấn. Cây ăn quả hơn 19.390 ha. Chăn nuôi ổn định, không phát sinh dịch bệnh lớn. Tổng đàn lợn đạt 1,37 triệu con, tăng 12,3%, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tám tháng ước đạt 145.600 tấn, tăng 4,1%. Đàn gia cầm hiện có 39,8 triệu con và sản lượng trứng gia cầm đạt 1.702 triệu quả, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, một số diện tích cây trồng, đàn vật nuôi khó tiêu thụ, giá bán nông sản giảm mạnh, dẫn đến không ít nông dân không mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung cho biết, tổng diện tích gieo trồng trên địa bàn huyện đạt gần 21.600 ha, trong đó diện tích trồng lúa vụ mùa đạt gần 5.600 ha đang vào vụ thu hoạch, với năng suất ước đạt 57 tạ/ha. Chăn nuôi ổn định, tổng đàn trâu, bò đạt hơn 37.700 con, đàn lợn 294.000 con, đàn gia cầm đạt 5,7 triệu con, với sản lượng 70.000 tấn, sản lượng trứng khoảng 70 triệu quả. Tuy nhiên, việc tiêu thụ nông sản trong thời gian giãn cách gặp không ít khó khăn. Phần lớn lượng rau, củ, quả chỉ bán trong địa bàn huyện. Giá bán lợn hơi cũng giảm mạnh, chỉ còn từ 45 đến 50.000 đồng/kg, trong khi giá cám tăng cao, ảnh hưởng đến thu nhập người dân.

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, đơn vị đã xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp giai đoạn cuối năm, cơ bản có thể bảo đảm được nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô. Cụ thể, vụ lúa mùa đang bước vào giai đoạn thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 265.000 tấn gạo. Các loại cây trồng, như cây ăn quả, với tổng diện tích thu hoạch gần 12.350 ha, rau xanh duy trì thu hoạch từ 230 đến 250 ha mỗi ngày, cung ứng cho thị trường từ 1.400 đến 1.500 tấn rau, củ, quả các loại. Thành phố sẽ duy trì ổn định tổng đàn trâu, bò, đàn gia cầm, tăng đàn lợn lên khoảng 1,6 triệu con và mở rộng phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản khoảng 600 ha.

Để đạt mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường đề nghị các địa phương chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống dịch để nông dân yên tâm sản xuất; tháo gỡ các vướng mắc trong tiêu thụ nông sản và vận chuyển giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất. Đối với một số địa phương thuộc phân vùng 1, cần rà soát những diện tích có thể sản xuất để hỗ trợ người dân, các hợp tác xã, hội nông dân, hội phụ nữ thực hiện canh tác, tạo nguồn cung nông sản tại chỗ.

Mới đây, phát biểu tại hội nghị trực tuyến thúc đẩy phát triển nông nghiệp và phòng, chống thiên tai trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận nỗ lực của các địa phương khi đã chủ động khắc phục khó khăn, tháo gỡ vướng mắc và động viên nông dân duy trì sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân thành phố trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đồng chí cũng cảnh báo, dịch Covid-19 còn diễn biến khó lường, giá cả vật tư đầu vào sản xuất tăng cao và nhất là tâm lý sản xuất cầm chừng của một số người dân sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Vì thế, các địa phương cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến tiêu thụ nông sản, tránh bị ùn ứ để người dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Trước mắt, các địa phương tập trung hỗ trợ nông dân thu hoạch nhanh, gọn lúa vụ mùa, sản xuất vụ đông, với phương châm thu hoạch đến đâu, làm đất đến đó. Bên cạnh đó, các địa phương tập trung nguồn lực hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất cho nông dân ■