Những người làm đẹp phố phường

Họ là những công nhân môi trường đô thị, kỹ sư chiếu sáng, cán bộ phụ nữ, nhưng nhiều năm nay miệt mài với những công việc để giữ cảnh quan, môi trường của Thủ đô luôn xanh, sạch, đẹp.

Kỹ sư Lê Tuấn Anh cùng đồng nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị thiết kế chiếu sáng đô thị.
Kỹ sư Lê Tuấn Anh cùng đồng nghiệp thuộc Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị thiết kế chiếu sáng đô thị.

Gần 30 năm theo nghề, bất kể thời tiết như thế nào, chị Nguyễn Thanh Vân, Tổ trưởng sản xuất Tổ môi trường 8, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco)-chi nhánh Ba Đình, vẫn miệt mài với công việc bảo đảm vệ sinh môi trường trên địa bàn được phân công. Chị Vân cho biết: “Càng gắn bó với nghề, tôi càng yêu nghề và tự hào về công việc của mình. Tôi hy vọng người dân thành phố có ý thức tốt hơn trong việc thu rác, chia sẻ với công việc nặng nhọc của công nhân vệ sinh môi trường”.

Chị Vân hiện phụ trách công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn ba phường: Ngọc Hà, Đội Cấn và Kim Mã. Thời gian qua, chị luôn động viên đồng nghiệp thực hiện tốt thông điệp 5K, bởi việc thu gom rác đối mặt với nguy cơ lây lan dịch rất lớn. Chị Vân đã nhiều lần được trao tặng các danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt” cấp thành phố. Năm 2018, chị vinh dự nhận danh hiệu “Cây chổi vàng”-danh hiệu tôn vinh người lao động trực tiếp tham gia công việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải của ngành vệ sinh môi trường.

Tốt nghiệp Trường đại học Bách khoa Hà Nội chuyên ngành hệ thống điện, với 21 năm trong nghề, kỹ sư Lê Tuấn Anh, Đội phó Đội trung tâm điều khiển, Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và Thiết bị đô thị (Hapulico) có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nâng cao hiệu suất lao động, tiết kiệm chi phí. Từ trước đến nay, khi vận hành hệ thống đèn trang trí trên địa bàn thành phố, công nhân phải đi từng cột đèn đóng, tắt điện bằng tay. Phương thức này tốn nhiều nhân lực và không an toàn, nhất là khi trời mưa.

Anh Tuấn Anh đã lắp bộ điều khiển từ xa để vận hành các khung đèn trang trí. Việc bật đèn được điều khiển từ xa và đến 23 giờ đêm các khung đèn tự động tắt, tiết kiệm điện năng và nhân công vận hành... Sáng kiến của Tuấn Anh đã giúp đồng nghiệp bớt khó khăn, vất vả trong công việc. Ghi nhận những cống hiến của anh Tuấn Anh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh và mới đây, anh được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.

Bà Vũ Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy), dẫn chúng tôi tham quan những bức tranh bích họa trên bức tường dẫn vào khu dân cư. Bà Thúy cho biết, trước đây, khu vực này là nơi tập kết rác, gây mất mỹ quan đô thị. Bà Thúy cùng các hội viên phụ nữ bóc quảng cáo, tổ chức vẽ tranh bích họa.

Một số bức tranh là do các hội viên phụ nữ của các tổ dân phố vẽ, số bức tranh còn lại do người dân trong phường vẽ hoặc thuê người vẽ. Mô hình 3T (Tận dụng-Tái chế-Thân thiện) của Hội Phụ nữ phường được phát triển từ mô hình góc xanh đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần hạn chế tình trạng xả rác trộm, dán quảng cáo trên tường; đồng thời, người dân có ý thức hơn trong giữ gìn cảnh quan môi trường khu dân cư. Hội Phụ nữ phường còn phát làn nhựa, túi đi chợ tự tiêu hủy cho các hộ gia đình, phát động mọi người hạn chế sử dụng túi ni-lông, duy trì tổng vệ sinh vào sáng thứ bảy hằng tuần. Việc thực hiện mô hình 3T tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường, hình thành lối sống văn hóa người dân trên địa bàn phường.

Bài và ảnh: MINH NGHĨA