Ngày trở gió

Những cơn gió lạnh đầu mùa đã thổi vào thành phố, làm nên nét đặc trưng riêng biệt của tháng mười Hà Nội. Trời se lạnh dễ khiến cho người đi xa thêm nhớ, người ở lại thêm yêu mảnh đất kinh kỳ. Nhưng điều làm nên dấu ấn đặc biệt nhất trong thời điểm này chính là Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Mục tiêu phòng, chống dịch vẫn được thành phố ưu tiên hàng đầu. Tại các khu vực công cộng, những nơi tập trung đông người vẫn có những thông báo về quy định phòng, chống dịch để chúng ta không lơ là, chủ quan. Song song với đó, các hoạt động kinh tế, xã hội đã được mở cửa trở lại, nhằm phục hồi kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế của đất nước. Việc chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” là điều hết sức kịp thời và cần thiết, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn trong lúc này.

Sức sống và linh hồn của thành phố bắt đầu từ những con người, những công việc đã tạo nên dáng vẻ và tâm thức cho Hà Nội. Rất nhiều người Hà Nội đã mong mỏi đến ngày được ra phố, đến một quán phở quen thuộc để thưởng thức hương vị đặc trưng mà khi tự nấu ở nhà cảm giác không ngon bằng. Có những người lại chỉ mong được đi bộ dưới hàng cổ thụ trên hè phố vào buổi sáng hay buổi tối để cảm nhận sự thong thả làm nên một Hà Nội rất riêng. Tôi ấn tượng nhất là chuyện một đại tá quân đội đã nghỉ hưu ở phố tôi, ngay sau khi Hà Nội được đi lại bình thường, việc đầu tiên là ông đi bộ ra Hồ Gươm, ngồi rất lâu nhìn ra tháp Rùa. Ông bảo, những ngày giãn cách thật nhớ nơi trái tim của Thủ đô.

Có lẽ trong những ngày này, cùng với sự cộng hưởng của thời tiết se lạnh, rất nhiều người đều nhận được tin nhắn của người thân, bạn bè, hay nhóm bạn hẹn nhau một ngày gần nhất sẽ gặp gỡ ở quán này, ở địa điểm kia… Nhu cầu gặp gỡ cũng là một nhu cầu thiết yếu, nhưng mọi người cũng không quên nhắc nhau, rằng dịch bệnh chưa thể loại bỏ dứt điểm, cho nên chúng ta vẫn cần phải có ý thức phòng, chống dịch.

Chúng ta phải nâng ý thức chống dịch lên thành tinh thần chống dịch. Và tinh thần ấy nên đồng hành với cuộc sống của mỗi người dân Thủ đô, để bên cạnh những việc làm, những hoạt động của riêng mỗi cá nhân hay của cả cộng đồng thì chúng ta vẫn luôn luôn kiểm soát được tình hình, và để tinh thần ấy sẽ trở thành văn hóa chống dịch. Cũng như văn hóa giao thông, văn hóa ứng xử, văn hóa nơi công cộng…, “văn hóa chống dịch” sẽ là cơ sở vững chắc để chúng ta có được sự bình thường của cuộc sống trong bối cảnh dịch bệnh chưa chấm dứt mà vẫn bảo đảm được sức khỏe của cá nhân và của cộng đồng.