Lấy đổi mới làm động lực phát triển

Sau 15 năm đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) đi vào thực tiễn cuộc sống, Hà Nội đã khẳng định, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu nổi bật. Ðây cũng chính là kinh nghiệm và động lực quan trọng để Ðảng bộ thành phố tiếp tục thực hiện với quyết tâm cao hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố quý I năm 2022. (Ảnh Phạm Hùng)
Hội nghị giao ban giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố quý I năm 2022. (Ảnh Phạm Hùng)

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng bộ thành phố được thể hiện ngay từ khâu học tập, quán triệt.

Đổi mới từ khâu quán triệt đến thực hiện

Thay vì mời các chuyên gia, từng đồng chí bí thư cấp ủy trực tiếp truyền đạt Nghị quyết; kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến một cách linh hoạt, làm sao để "thấm" được đến cán bộ, đảng viên một cách nhanh nhất. Từ năm 2007 đến nay, Thành ủy đã ban hành hơn 500 văn bản để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), đổi mới việc thực hiện Nghị quyết bằng việc xây dựng các chương trình, đề án, đề tài, chuyên đề để chỉ đạo thực hiện những vấn đề mới, có tính cấp bách, bức xúc mà thực tiễn đặt ra cần giải quyết. Ðơn cử như Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Tăng cường công tác xây dựng Ðảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn thành phố Hà Nội" ngày 27/2/2012 đã giúp thành phố thành lập được 1.465 tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, phát triển được 8.411 đảng viên mới; 5.164 tổ chức đoàn thể..., góp phần quan trọng nâng cao năng lực, sức chiến đấu tổ chức đảng, đồng thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.

Một trong những khâu quan trọng trong việc đổi mới là công tác cán bộ. Thành ủy đã chú trọng hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định về công tác cán bộ; từ năm 2008 đến nay đã ban hành một Nghị quyết; ban hành và sửa đổi 22 quy định liên quan đến công tác cán bộ. Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 04 về Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; rà soát, ban hành đồng bộ hệ thống văn bản về công tác cán bộ như: Quy định về quản lý cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử. Thành phố cũng thực hiện đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức theo hướng: Cấp nào quản lý, nơi nào phụ trách đánh giá cán bộ nơi đó, cả chiều dọc và chiều ngang.

Quyết tâm chính trị cao hơn

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy và cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, chú trọng lãnh đạo đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng khắc phục tính "hành chính hóa", hướng mạnh về cơ sở. Thành ủy cho ý kiến chỉ đạo về những định hướng lớn trong từng thời kỳ, về công tác tổ chức, cán bộ; về nhân sự cán bộ chủ chốt. Ðịnh kỳ hằng quý, Thường trực Thành ủy giao ban với MTTQ và các tổ chức chính trị -xã hội; chỉ đạo xây dựng quy chế làm việc và quy chế phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội với cơ quan chính quyền; thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Ðảng, xây dựng chính quyền theo Quy định 217, 218 của Bộ Chính trị. Thành ủy còn ban hành Quyết định số 6525 về Quy định trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền tiếp thu góp ý của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân; Quyết định số 2200 về ban hành Quy chế Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân. Việc thực hiện hai Quyết định trên được triển khai đồng bộ, toàn diện, kịp thời giải quyết nhiều kiến nghị, đề xuất, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và thực tiễn đặt ra của quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Ðảng, Thành ủy Hà Nội thẳng thắn đánh giá còn những hạn chế, khuyết điểm. Ðó là: Việc đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách, lề lối làm việc của một số cấp ủy còn chậm, hiệu quả chưa rõ nét. Công tác lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền tại một số địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, thụ động, thiếu quyết liệt. Tình trạng trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhất là ở cơ sở chưa được khắc phục triệt để. Công tác nắm tình hình và giám sát thường xuyên một số nơi còn yếu, chưa kịp thời phát hiện để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm, những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở. Việc quản lý nhà nước ở một số ngành, lĩnh vực còn hạn chế dẫn đến sai phạm phải xem xét, xử lý.

Theo Bí thư Thành ủy Ðinh Tiến Dũng, cùng với việc tập trung khắc phục những hạn chế này, Ðảng bộ thành phố Hà Nội tiếp tục quyết tâm chính trị cao trong đổi mới phương thức lãnh đạo, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương đã nêu. "Ngay trước mắt, Hà Nội sẽ cùng với các tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành Dự án đường vành đai 4 vùng Thủ đô trước năm 2027 theo chủ trương đầu tư đã được Bộ Chính trị và Quốc hội thông qua; tập trung chỉ đạo hoàn thiện các quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025 có từ ba đến năm huyện phát triển thành quận; sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 và tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị để đưa Thủ đô phát triển nhanh, bền vững hơn", đồng chí Ðinh Tiến Dũng cho biết ■