Kích cầu tiêu dùng cuối năm

Trong quý III/2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tại Hà Nội sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Do đó, cùng với các giải pháp khôi phục sản xuất, thành phố cùng cộng đồng doanh nghiệp đang nỗ lực triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, nhằm đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Công thương và Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).
Lãnh đạo Bộ Công thương và Sở Công thương Hà Nội tìm hiểu tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm).

Suốt hai tháng phải đóng cửa để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, cửa hàng quần áo Carton ở phố Giang Văn Minh (quận Ba Đình) bị tồn hơn chục kiện hàng quần áo mùa hè. Chị Lê Minh Châu, chủ cửa hàng cho biết: “Trong thời gian giãn cách, tôi chuyển sang hình thức bán hàng online, nhưng do không phải mặt hàng thiết yếu, cho nên việc giao hàng khó khăn, chi phí cao. Ngay khi thành phố cho phép mở cửa trở lại, cửa hàng giảm giá sâu, chỉ còn 50 nghìn đồng/sản phẩm để thanh lý toàn bộ hàng hè”. Đây cũng là giải pháp chung mà hàng loạt cửa hàng quần áo thời trang trên địa bàn Hà Nội áp dụng trong vài tuần qua để đẩy nhanh hàng hè, thu hồi vốn và kịp ra mắt hàng thu đông.

Không chỉ với mặt hàng quần áo thời trang, hàng loạt các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ khác cũng đang tìm cách kích cầu tiêu dùng. Theo Cục Thống kê Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong quý III/2021 đã giảm mạnh, ước đạt 92,2 nghìn tỷ đồng, giảm 34% so với quý trước và giảm 40,1% so với cùng kỳ năm trước. Sự sụt giảm này đã khiến tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chín tháng năm 2021 chỉ đạt 380 nghìn tỷ đồng, giảm 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số ngành giảm mạnh như đá quý, kim loại, gỗ và vật liệu xây dựng, hàng may mặc, vui chơi giải trí, dịch vụ nghệ thuật, du lịch lữ hành... Cùng với đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cuối tháng 9/2021 đã tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các sản phẩm từ gỗ, kim loại, phương tiện vận tải, cao-su… có chỉ số tồn kho rất lớn, có loại tăng tới 96,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trước tình hình đó, TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phân phối hàng hóa và mở rộng thị trường. Trong đó, có nhiều chương trình lớn, xuyên suốt như triển khai Cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", Tháng Khuyến mại Hà Nội và các chương trình kết nối tiêu thụ hàng hóa… Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố xác định việc triển khai CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các chương trình, đề án của Chính phủ, Bộ Công thương là một giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Ban chỉ đạo CVĐ đã hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua việc tổ chức "Hội chợ hàng hóa sản phẩm vì người tiêu dùng", "Tuần hàng Việt", "Tuần hàng trái cây, nông sản các tỉnh, thành phố tại Hà Nội", giới thiệu cho các tỉnh, thành phố 24 địa điểm tổ chức bán trái cây, nông sản mùa vụ tại Hà Nội... Từ đầu năm đến nay, Sở Công thương đã hỗ trợ các tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến của Hà Nội. Nhờ đó các tỉnh, thành phố đã tiêu thụ được 74 nghìn tấn sản phẩm, trị giá 920 tỷ đồng thông qua hệ thống bán lẻ, chế biến của thành phố.