Ðem làn điệu dân ca đến mọi nhà

Dịch Covid-19 khiến mọi hoạt động văn hóa - nghệ thuật đình trệ. Nhưng với nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược (thôn Xa Mạc, xã Liên Mạc, huyện Mê Linh, Hà Nội) thì khác.

Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược trước giờ biểu diễn trực tuyến.
Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược trước giờ biểu diễn trực tuyến.

Dịch bệnh, phải giãn cách xã hội, thì ông càng tăng cường hát "livestream" để đem niềm vui, đem những điệu dân ca đến mọi nhà. Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược chính là người lưu giữ làn điệu chèo Xa Mạc nổi tiếng của mảnh đất Mê Linh suốt mấy chục năm qua.

Buổi tối, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược thường ăn uống, sắp xếp công việc gia đình sớm. Vì cứ 19 giờ 30 phút, ông bắt đầu "lên sóng". Nếu như những nghệ nhân "làng" của các bộ môn nghệ thuật diễn xướng dân gian thường được biết đến với phong thái "cổ điển", đôi khi không theo kịp sự thay đổi của thời hiện đại, thì nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược, dù đã ở tuổi "thất thập", nhưng rất rành công nghệ.

Ông có sáng kiến thành lập fanpage Câu lạc bộ Giao lưu văn nghệ Mê Linh - Ðông Anh - Sóc Sơn Hà Nội. Không có phòng thu riêng, ông bố trí một chiếc bàn nhỏ làm "trường quay" mi-ni. Một chiếc điện thoại thông minh đặt trên chân đỡ để ông quay, phát trực tiếp trên mạng. Một chiếc điện thoại khác, để bên cạnh, chuyên dùng để phát nhạc đệm. Hiện giờ fanpage có gần 3.000 thành viên. Ðây không chỉ là nơi kết nối tình yêu văn nghệ của cộng đồng, mà còn là nơi ông lan tỏa nét đẹp của điệu chèo Xa Mạc quê hương.

Thôn Xa Mạc từ xa xưa đã lưu giữ một loại hình nghệ thuật độc đáo. Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là một điệu chèo cổ, với những nét đặc sắc riêng, với các câu hát chủ yếu dựa trên nền của thể thơ lục bát. Do đó, môn nghệ thuật truyền thống nơi đây được gọi là hát Xa Mạc, hoặc chèo Xa Mạc. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống dân ca, từ thủa nhỏ, cậu bé Lược đã được ông bà, bố mẹ dạy cho những bài hát cổ, ngân nga trong những lúc rảnh rỗi. Sau này, khi đi bộ đội, anh lính trẻ Nguyễn Ngọc Lược đã đem những điệu hát Xa Mạc vào chiến trường, giúp đồng đội có thêm niềm vui trong chiến đấu. Năm 1978, giải ngũ về làng, người cựu chiến binh thấy cuộc sống đã thay đổi khá nhiều, không còn nhiều người hát những làn điệu thân thương nữa...

Mấy chục năm về trước, chưa nhiều người biết đến khái niệm "bảo tồn di sản". Bản thân ông Lược cũng thế. Nó là cái gì đó xa vời. Nhưng ông nhận thấy, nếu mình không tìm cách lưu giữ lại, thì những làn điệu quê hương có thể biến mất. Ông Lược tìm đến nhà các cụ cao tuổi, nhờ các cụ đọc lại những gì mình nhớ và ghi chép lại.

Thấy tấm lòng của ông, các cụ không những đọc lời, mà còn hướng dẫn thêm cách ngâm, lối hát sao cho truyền cảm. Dân làng gọi ông là Lược "chèo" và cũng không thiếu lời dị nghị, bàn tán. Phải mất hàng chục năm liên tục bị cho là "lẩn thẩn" như thế, cộng đồng mới nhận ra giá trị của điệu hát Xa Mạc, mới hiểu tấm lòng của người nghệ nhân và cảm mến ông. Thế rồi, Câu lạc bộ dân ca Xa Mạc ra đời, quy tụ được hơn 20 thành viên, ông Lược được bầu làm Chủ nhiệm.

Hát Xa Mạc được vực dậy dần từ đó. Hiện giờ, Câu lạc bộ đã có 50 thành viên, thuộc nhiều lứa tuổi. Khó khăn đã tạm lùi xa, nhưng những câu chuyện gian nan một thời của sưu tầm, gìn giữ hát Xa Mạc tưởng như vẫn "kể mãi không hết". Ông Lược có nghề sửa xe đạp. Ðược đồng nào, ông đem… nuôi đam mê âm nhạc hết. Khi Câu lạc bộ mới ra đời, ông Lược đã bỏ tiền túi mua một bộ loa đài trị giá 20 triệu đồng để Câu lạc bộ có phương tiện tập luyện. Thời điểm năm 1998 là khoản tiền lớn, nhất là ở làng quê thuần nông như thôn Xa Mạc.

Ông Lược là người "đa năng", vừa dạy hát, kiêm luôn cả dàn dựng, biên đạo các bài múa. Ðồng thời, cũng là... nhà tổ chức biểu diễn. Vừa lưu giữ các bài hát cổ, ông còn sáng tác lời mới, lồng điệu múa cho hàng trăm bài hát, là tác giả của tám ca cảnh thực hiện theo lối hát Xa Mạc. Năm 2019, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Cuộc đời Nghệ nhân Nguyễn Ngọc Lược là câu chuyện của một người lưu giữ vốn cổ, nhưng biết thích ứng với cuộc sống, biết khai thác giá trị công nghệ, để gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa quê hương.

Dã Liên