Áp giá trần các sản phẩm sữa dành cho trẻ em

Đề phòng các chiêu "lách luật"

Từ đầu tháng 6, quyết định áp giá trần đối với 25 mặt hàng sữa công thức dành cho trẻ em của Bộ Tài chính có hiệu lực.

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị.
Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sữa tại siêu thị.

Thị trường sữa bột dành cho trẻ em tại Hà Nội đã có những biến động tích cực, có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý vẫn cần đề phòng một số trường hợp "lách luật" bằng cách giảm giá bán những thay đổi mẫu mã nhãn hàng, giảm trọng lượng sản phẩm...

Sau khi tiến hành thanh tra giá sữa từ năm 2013 đến nay, phát hiện nhiều yếu tố không hợp lý về giá và chi phí sản phẩm sữa của nhiều hãng sữa, Bộ Tài chính đã quyết định áp giá trần đối với 25 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi của năm hãng sữa: Vinamilk, Nestlé VietNam, Mead Johnson VietNam, Friesland Campina VietNam và Công ty CP dinh dưỡng 3A - những sản phẩm phổ biến, được tiêu thụ nhiều, chiếm hơn 60% thị phần, với mức giá trần thấp hơn từ 10 đến 20% so với giá bán buôn đang hiện hành trên thị trường.

Còn giá bán lẻ, Bộ Tài chính quy định không được vượt quá 15% so với giá bán buôn.

Quyết định này nhằm hãm đà tăng giá gần như mang tính định kỳ của các hãng sữa.

Để tạo điều kiện cho các hãng, cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa, tuy quyết định áp giá trần có hiệu lực từ ngày 1-6 nhưng giá bán buôn được thực hiện chậm nhất từ ngày 10-6, giá bán lẻ chậm nhất từ ngày 20-6. Tuy chưa đến thời hạn thực hiện, một số hãng sữa đã chủ động thực hiện mức giá trần. Các hãng đã tiến hành kiểm kê và hỗ trợ cho phía đại lý toàn bộ khoản chênh lệch giữa giá cũ và giá mới đối với các lô hàng đã nhập từ trước để giúp đại lý có thể giảm giá bán lẻ theo đúng quy định mức giá trần. Hãng Abbott ngay từ cuối tháng 5 đã thông báo cho các khách hàng thông qua tin nhắn sms với nội dung tiến hành hỗ trợ giá cho người tiêu dùng và khuyến nghị giá bán lẻ mới cho các sản phẩm từ ngày 28-5.

Qua khảo sát tại nhiều đại lý, cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm, Sơn Tây, Trần Khát Chân... và các siêu thị như Big C, Co.opMart, Ocean Mart..., chúng tôi thấy nhiều dòng sản phẩm sữa đã giảm giá đáng kể.

Chủ hàng sữa trên phố Hàng Buồm cho biết: giá bán lẻ cho sữa Frisolac Gold 2 loại 900 g hiện là 434.000 đồng (giảm 58.000 đồng); Friso Gold 3 loại 900 g là 396.000 đồng (giảm 49.000 đồng); Friso Gold 3 loại 1,5 kg là 597.000 đồng (giảm 73.000 đồng)... Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết, từ ngày 3-6, Big C bắt đầu áp dụng giá mới cho các sản phẩm của Nestlé và Abbott.

Các sản phẩm khác siêu thị sẽ tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để thực hiện theo mức giá trần. Siêu thị Ocean Mart đã niêm yết năm loại sữa của Abbott theo giá mới, đó là: Abbott Grow 3 900 g là 267.900 đồng (giảm 41.800 đồng so với giá cũ); Similac GainPlus IQ 900g là 419.200 đồng (giảm 84.700 đồng); Grow G-Power vanilla 1,7 kg giá mới 631.400 đồng (giảm 107.500 đồng); Similac GainPlus IQ 1,7 kg là 716.200 đồng (giảm 143.700 đồng); Grow G-Power vanilla 900g là 372.600 đồng (giảm 62.400 đồng).

Tuy nhiên, tại một số cửa hàng sữa nhỏ lẻ, không phải đại lý chính thức với các hãng thì giá nhiều mặt hàng sữa trong diện áp giá trần vẫn không giảm. Theo các chủ hàng thì một số cửa hàng nhập hàng từ nhiều nguồn không chính thức, không nhập trực tiếp từ các hãng nên không nhận được sự hỗ trợ về giá.

Điều này đã khiến không ít người tiêu dùng băn khoăn khi sữa mỗi nơi một giá. Chị Nguyễn Thanh Hồng, ở phố Điện Biên Phủ, quận Ba Đình cho biết: "Mấy ngày gần đây thấy giá sữa có nhiều biến động, tôi chỉ mua số lượng nhỏ cho con uống tạm, đợi giá giảm thật sự thì sẽ mua nhiều hơn". Nhiều người tiêu dùng đang có tâm lý chờ đợi nên khoảng thời gian này, các loại sữa tiêu thụ chậm hơn so với trước. Nhiều chủ hàng phản ánh, nếu trước đây người mua thường mua liền vài hộp hoặc thậm chí cả thùng cho con uống dần, thì nay chỉ mua hộp nhỏ lẻ.

Việc áp giá trần giúp giá sữa "hạ nhiệt" khiến nhiều người tiêu dùng vui mừng, kỳ vọng.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều người lo lắng về những chiêu "lách luật" của các hãng sữa. Đã có nhiều trường hợp các doanh nghiệp thay đổi mẫu mã nhãn hàng, giảm trọng lượng... và các hình thức khác để tránh quy định của Nhà nước. Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Bộ Tài chính đã ra quy định, bất kỳ nhãn sữa mới nào đều phải làm thủ tục đăng ký giá theo quy định, sau năm ngày kể từ khi nộp hồ sơ, Bộ sẽ công bố mức giá trần mới cho sản phẩm đó. Còn nếu thay đổi trọng lượng, doanh nghiệp phải tính lại giá theo đúng trọng lượng mới. Ngoài ra, các cấp, các sở, ngành liên quan tại mỗi địa phương cũng sẽ vào cuộc phối hợp giám sát việc thực hiện áp giá trần nên người tiêu dùng có thể yên tâm.