Bước chạy đà thành công

Ngày 13/1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chính thức được khánh thành, đồng thời cũng là ngày đón vị khách thứ 1 triệu sau hơn hai tháng vận hành. Ðây được xem là "bước chạy đà" thành công ngoài mong đợi, tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội tập trung triển khai nhanh hơn nữa hệ thống đường sắt đô thị.

Ngày 13/1, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chính thức được khánh thành, đồng thời cũng là ngày tuyến đường sắt này đón vị khách thứ 1 triệu sau hơn hai tháng vận hành. Ảnh: Mai Ngọc  
Ngày 13/1, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông chính thức được khánh thành, đồng thời cũng là ngày tuyến đường sắt này đón vị khách thứ 1 triệu sau hơn hai tháng vận hành. Ảnh: Mai Ngọc  

Theo đại diện Công ty TNHH một thành viên Ðường sắt Hà Nội, từ ngày 6/11/2021 đến nay, bình quân mỗi ngày tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Ðông vận chuyển gần 15.000 hành khách, trong đó có 20% số hành khách là sử dụng vé tháng. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gần đây số hành khách tham quan, trải nghiệm trên tuyến có giảm, nhưng hành khách là những người đi làm, đi học thường xuyên trên tuyến bằng vé tháng giữ ổn định và đang có xu hướng tăng từ 10% ban đầu lên hơn 20%, và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Kết quả tích cực

Những ưu điểm nổi bật của tuyến đường sắt trên cao đã tạo nên sức hút vượt trội hơn hẳn các loại hình vận tải hành khách công cộng khác như xe buýt, ta-xi… Mỗi lượt tàu chạy trên trục đường Quang Trung-Trần Phú-Nguyễn Trãi-Láng-Hoàng Cầu-Cát Linh chỉ mất khoảng 23 phút, trong khi đó xe buýt hay ô-tô con phải mất cả tiếng đồng hồ, xe máy cũng phải mất hơn 40 phút. Từ khâu bán vé, lên xuống tàu… đều được tự động hóa. Hàng trăm nghìn người dân đã tới trải nghiệm dịch vụ tiện ích hiện đại; ngắm nhìn Hà Nội từ trên cao qua mỗi chuyến tàu. Và kết quả đáng mừng nhất là hầu như mọi định kiến đối với vận tải công cộng nói chung, đường sắt đô thị nói riêng đã nhanh chóng phai nhạt.

Chị Nguyễn Thị Phương trú quận Hà Ðông (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi gắn bó với tuyến tàu điện Cát Linh-Hà Ðông từ những ngày đầu khai thác thương mại. Chất lượng phục vụ cũng như tiện ích trên tàu không ngừng được cải thiện. Việc di chuyển từ nhà đến công ty và ngược lại của tôi dễ dàng và thuận tiện hơn".

Tổng Giám đốc Hà Nội Metro Vũ Hồng Trường cho biết, đường sắt Cát Linh - Hà Ðông là tuyến metro đầu tiên và duy nhất của cả nước tính đến thời điểm này, cho nên nếu không chuẩn bị tốt để phục vụ an toàn và văn minh ngay từ những ngày đầu thì sẽ ảnh hưởng đến sự kỳ vọng của người dân về một phương thức vận tải hành khách công cộng tiên tiến lần đầu có mặt ở Việt Nam. "Lường trước những thách thức đó, chúng tôi đã phải chuẩn bị hết sức kỹ càng để làm quen, tập dượt các tình huống có thể xảy ra trong quá trình vận hành. Ðến nay, đội ngũ kỹ sư, nhân viên lái tàu, nhân viên phục vụ tại các nhà ga... đều đã thành thục với công việc. Nhân lực của Hanoi Metro đủ về số lượng, bảo đảm năng lực về chuyên môn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của công việc trong giai đoạn I-năm đầu tiên vận hành tuyến", ông Trường chia sẻ.

Tập trung mở rộng mạng lưới

Về ý kiến của nhiều hành khách phản ánh khó khăn trong tìm chỗ gửi xe máy, xe đạp để tiếp cận metro, Tổng Giám đốc Hanoi Metro cho biết, đúng là ban đầu có những bất cập về chỗ giữ xe cho hành khách để chuyển tiếp đi tàu. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành liên quan và chính quyền các địa phương dọc tuyến, vấn đề này dần được tháo gỡ. Hiện nay, ở ga Cát Linh có bãi gửi xe ở ngõ 168 phố Hào Nam đáp ứng nhu cầu cho 500-1.000 xe đạp, xe máy. Khu vực chung quanh ga Cát Linh cũng được tận dụng để bố trí chỗ gửi xe. Còn tại ga Yên Nghĩa đã có Bến xe Yên Nghĩa nằm bên cạnh. Những chỗ vỉa hè hẹp, trông xe tự phát thì chính quyền đã giải tỏa để dành đường cho người đi bộ và bố trí trông xe ở vị trí phù hợp.

Ðiều quan trọng nhất là từ hoạt động của tuyến metro Cát Linh-Hà Ðông, mở ra kỳ vọng thay đổi văn hóa giao thông ở các đô thị lớn hiện nay, nhất là ở Thủ đô Hà Nội. "Người dân Hà Nội tiếp cận với việc sử dụng metro rất nhanh và mỗi hành khách sau khi đi tàu đã trở thành hướng dẫn viên cho người khác. Tuy nhiên, để thu hút khách, đòi hỏi phải có sự đồng bộ về hạ tầng kết nối với metro".

Từ thành công ban đầu của tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Ðông có thể thấy ý nghĩa của loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, hiện đại này với giao thông đô thị Hà Nội, đồng thời đòi hỏi thành phố phải sớm tăng cường năng lực cho hệ thống vận tải công cộng, trước mắt trong năm 2022 đưa vào vận hành, khai thác tuyến đường sắt số 3 (Nhổn-ga Hà Nội), đoạn trên cao từ Nhổn đến Cầu Giấy. 

Quốc Toản