Theo đó, mục tiêu của chương trình nhằm trang bị cho đội ngũ quản lý, nhà giáo làm công tác giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục đại học những kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả tổ chức các hoạt động thể thao trường học, đáp ứng nhu cầu thực tế của sinh viên trong giai đoạn hiện nay.
Khối lượng kiến thức gồm 5 chuyên đề, với thời lượng 60 tiết, bao gồm: Nghiên cứu, trao đổi, thảo luận tập trung, tự nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế, thực hành bài tập theo chủ đề, thực hiện kiểm tra đánh giá theo quy định của chương trình.
Về việc biên soạn tài liệu, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan chỉ đạo tổ chức biên soạn và thẩm định tài liệu bồi dưỡng. Tài liệu được biên soạn bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung các chuyên đề cần bổ trợ, nâng cao.
Báo cáo viên, giảng viên tham gia bồi dưỡng căn cứ tài liệu bồi dưỡng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và tham khảo các văn bản, tài liệu liên quan đến nội dung Chương trình bồi dưỡng để xây dựng bài giảng lý thuyết và hướng dẫn học viên thực hành.
Bài giảng của báo cáo viên, giảng viên cần biên soạn theo nhiều dạng thức khác nhau (Word, Powerpoint, video...) để học viên dễ dàng tiếp cận và học tập.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, hình thức bồi dưỡng được thực hiện dưới dạng toàn phần hoặc bồi dưỡng theo từng chuyên đề; tổ chức bồi dưỡng trực tiếp hoặc trực tiếp kết hợp với trực tuyến đối với các tiết lý thuyết.
Kết thúc mỗi chuyên đề, học viên được đánh giá thông qua bài kiểm tra hoặc kết quả thảo luận nhóm, kết quả thực tập tình huống. Học viên có kết quả đánh giá không đạt thì yêu cầu được đánh giá lại.
Các báo cáo viên, giảng viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu đối với học phần giảng dạy, có khả năng nghiên cứu, tổng hợp tài liệu chuyên ngành. Đồng thời, thường xuyên cập nhật văn bản mới, kiến thức mới nhằm đáp ứng yêu cầu vị trí công việc phù hợp với xu thế phát triển chung. Ngoài ra, có kinh nghiệm trong quản lý, giảng dạy giáo dục thể chất, thể thao trường học, có năng lực sư phạm...