Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học miễn phí chất lượng không tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Việc học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, nhất là đối với lớp 1, lớp 2 gặp khó khăn hơn do các em còn nhỏ, chưa có điều kiện để làm quen với phương thức học tập này, do đó có một số tỉnh lùi thời gian học đối với cấp tiểu học.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên. Đồng thời, chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn yêu cầu tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng dạy trên truyền hình của môn học các lớp 1, 2 và 6 (hiện đang phát hành Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1).
Đối với các lớp còn lại như lớp 3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12, Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng, trong đó, Bộ sẽ hỗ trợ thẩm định bài giảng.
Ở những nơi khó khăn về dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, các nhà trường sẽ thực hiện phát phiếu học tập đến học sinh để đảm bảo việc học không bị gián đoạn. Đối với bậc học mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xây dựng ngân hàng video clip để phụ huynh hướng dẫn, giáo dục trẻ ở nhà.
Hiện nay, kho học liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có 7 nghìn bài giảng trực tuyến, trong đó có 1.500 video bài giảng trên truyền hình có chất lượng và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.
Trước đó, ngày 7/9, nhằm thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg (ngày 3/9/2021) của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch Covid-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông chỉ đạo các tập đoàn, doanh nghiệp viễn thông đầu tư nâng cấp hạ tầng, mở rộng băng thông Internet đảm bảo tổ chức tốt các hoạt động dạy học trực tuyến và chuyển đổi số trong giáo dục.
Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông xem xét miễn giảm giá cước truy cập Internet cho học sinh, sinh viên và đội ngũ nhà giáo (nhất là cước Internet 3G, 4G); giảm giá thuê dịch vụ máy chủ, dịch vụ Internet phục vụ đào tạo từ xa cho các cơ sở giáo dục đại học. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các giải pháp, nền tảng dạy và học trực tuyến, xây dựng học liệu số; ban hành văn bản hướng dẫn về sử dụng an toàn các phần mềm, công cụ dạy học trực tuyến.