Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu

NDO - Chiều 8/6, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển, Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt phối hợp các nghệ nhân thôn Thanh Liễu, phường Tân Hưng, thành phố Hải Dương tổ chức workshop Kỹ thuật khắc và in mộc bản. Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động của dự án "Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề".
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi về kỹ thuật khắc in mộc bản Thanh Liễu
Trao đổi về kỹ thuật khắc in mộc bản Thanh Liễu

Theo anh Nguyễn Công Đạt, nghệ nhân trẻ thôn Thanh Liễu, nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, tồn tại đến nay đã 581 năm. Ông tổ nghề khắc ván in là thám hoa Lương Như Hộc, làm quan thời Hậu Lê.

Phụng mệnh triều đình, trong lần đầu đi sứ Trung Quốc, cụ đã học hỏi được kỹ thuật khắc in của người phương Bắc. Kết hợp văn hóa truyền thống Việt Nam, cụ đã truyền dạy nghề khắc in cho hai học trò đầu tiên là Phạm Liên và Phạm Đới. Trong chuyến đi sứ lần hai, cụ Lương Như Hộc hoàn thiện kỹ thuật in ấn và truyền dạy cho nhân dân thôn Hồng Lục, nay là Thanh Liễu.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 1

Công đoạn khắc tranh

Thời bấy giờ, nghề khắc in mộc bản cần đội ngũ nhân lực rất lớn, để khắc mộc bản phục vụ triều đình và đời sống văn hóa, xã hội, cụ Lương Như Hộc tiếp tục truyền dạy nghề cho nhân dân thôn Khuê Liễu và Liễu Tràng. Ba thôn này tạo nên trung tâm in khắc mộc bản của nước Đại Việt và đi vào câu ca: “Đình Sinh, quán Sếu, chùa Tràng/Trong ba làng ấy không làm cũng có ăn”. Sinh, Sếu, Tràng là tên nôm của ba thôn Hồng Lục, Liễu Tràng, Khuê Liễu).

Đến nay, ba thôn này đều thuộc phường Tân Hưng, có truyền thống làm nghề in khắc mộc bản.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 2

Các nghệ nhân khắc in mộc bản Thanh Liễu

Qua thời gian hình thành và phát triển, sản phẩm khắc in thôn Thanh Liễu rất đa dạng và phong phú, từ kinh sách, thơ văn, tranh trang trí, phù, ấn, triện, tranh thập vật…

Làng nghề không chỉ nổi tiếng với kỹ thuật khắc mộc bản tinh xảo mà còn là nơi tạo ra nhiều ván in mộc bản quý giá. Các chùa Vĩnh Nghiêm, Bổ Đà (Bắc Giang), Bà Đá… đang lưu giữ các bản in kinh do các nghệ nhân Thanh Liễu thực hiện.

Mộc bản trường học Phúc Giang được UNESCO ghi danh Di sản tư liệu thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương do nghệ nhân Nguyễn Huy Vượng, người làng Hồng Lục thực hiện khắc in vào năm 1758. Ba khối mộc bản được lưu trữ tại chùa Bổ Đà, chùa Trăm Gian và bộ mộc bản Hải Thượng Y tông tâm lĩnh, chùa Đồng Nhân (Bắc Ninh) được công nhận là bảo vật quốc gia đều do người thợ khắc ván in Thanh Liễu đảm nhận.

Những người thợ khắc ván in Liễu Tràng, Thanh Liễu còn đảm đương khắc in những bộ sách đồ sộ của đất nước, như bộ Đại Việt sử ký toàn thư - bộ sử quan trọng của dân tộc.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 3

Kinh sách khoa cúng cổ

Nghề khắc in mộc bản vô cùng công phu và tỉ mỉ, từ công đoạn chọn gỗ đến ra thành phẩm. Để làm được một tấm mộc bản, nghệ nhân phải trải qua khoảng 30 bước, từ chọn gỗ, ngâm gỗ, xẻ gỗ, cắt chà bào, làm phẳng… rồi mới đến khắc, in ấn. Gỗ thường được sử dụng là gỗ thị và gỗ thừng mực, phải có tuổi trên 30 năm đến 50 năm. Giấy thường dùng là giấy dó và giấy xuyến.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 4

Công đoạn lăn mực

Dụng cụ đặc biệt trong nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu là dao ngang-kỹ thuật truyền thừa từ thời Đức tổ đến nay vẫn được sử dụng. Cán dao làm bằng sừng trâu hoặc gỗ lim, gỗ nghiến tiện tròn, xẻ rãnh giữa, thân dao dài 20-25cm. Lưỡi dao cong khuyết hình lưỡi liềm. Để có những nét chữ, nét mác, nét phẩy, nét sổ… họa tiết tinh xảo, đầu mũi dao phải được mài thật sắc.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 5

Dao ngang dùng khắc mộc bản ấn tam bảo

90% công đoạn trong khắc mộc bản, khắc tranh, ấn triện đều sử dụng con dao ngang này. Ngoài ra còn các dụng cụ đục, đẩy, tràng… Sau khi khắc xong đến mới công đoạn in.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 6

Bộ đồ đục, tràng, đẩy, cưa tay cổ

Theo thời gian, đến khoảng năm 2000, nghề khắc in mai một dần do máy móc và công nghệ in ấn hiện đại xuất hiện. Các nghệ nhân trong thôn dần chuyển sang làm công việc khác ứng dụng từ nghề truyền thống như khắc dấu, khắc bia mộ…

Trong làng chỉ còn ít hộ giữ được nghề truyền thống. Hiện nay, giới trẻ quan tâm đến yếu tố di sản và trân trọng các giá trị truyền thống của dân tộc. Nhiều bạn trẻ tự hào về những giá trị văn hóa truyền thống, khai thác kho tàng di sản văn hóa dân tộc, ứng dụng công nghệ số hóa làm hồi sinh di sản và sáng tạo nên những sản phẩm đương đại. Nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu cũng được biết rộng rãi hơn.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 7

Trao đổi, chia sẻ về nghề khắc in mộc bản

Chuỗi sự kiện "Mộc bản Thanh Liễu - Hành trình hồi sinh một làng nghề" là nỗ lực của các nghệ nhân thôn Thanh Liễu trong bảo tồn di sản, giữ gìn và lan tỏa giá trị làng nghề cũng như văn hóa truyền thống Việt Nam trong nhịp sống đương đại.

Đây cũng là cơ hội để quảng bá làng nghề rộng rãi, đồng thời tìm hướng phát triển mới cho làng nghề Thanh Liễu, để nghề mộc bản sẽ tiếp tục được trân trọng, bảo tồn và phát triển trong tương lai.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 8

Giới trẻ tìm hiểu nghề truyền thống

Thông qua các hoạt động giao lưu, chia sẻ, thảo luận, trưng bày và workshop thực hành, người yêu mến nghề truyền thống sẽ hiểu rõ hơn về sự phong phú và độc đáo của nghề mộc bản Thanh Liễu, cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn nghề truyền thống này.

Trải nghiệm nghề khắc in mộc bản Thanh Liễu ảnh 9

Nghệ nhân Nguyễn Danh Làm thao tác các công đoạn khắc in mộc bản

Các tuần tiếp theo trong tháng 6 sẽ diễn ra các chuyên đề:

Ngày 15/6, chuyên đề về mỹ thuật trong mộc bản, thảo luận về mỹ thuật trong các ván in mộc bản cùng workshop in ấn phẩm từ mộc bản

Ngày 22/6, chuyên đề về ứng dụng của mộc bản xưa và nay, trình bày ứng dụng của mộc bản trong lịch sử và hiện đại; workshop ứng dụng và thảo luận về việc áp dụng mộc bản.

Ngày 30/6, chuyên đề Tổng kết kết quả nghiên cứu đề tài sau 1 tháng thực hiện các chuyên đề diễn ra, giới thiệu dự án hợp tác giữa đội ngũ phường Bách nghệ và các nghệ nhân làng mộc bản Thanh Liễu, kết nối các nhà đầu tư cho dự án hợp tác giữa Phường Bách Nghệ và các nghệ nhân làng mộc bản Thanh Liễu.

Triển lãm trưng bày nghề mộc bản diễn ra đến hết ngày 30/6.

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt (phường Bách nghệ) là đơn vị đồng hành, hỗ trợ những người thợ thủ công và làng nghề truyền thống để phát huy giá trị tinh hoa của dân tộc Việt. Trong tháng 6, phường Bách nghệ phối hợp các nghệ nhân thôn Thanh Liễu tổ chức chuyên đề "Mộc bản Thanh Liễu-Hành trình hồi sinh một làng nghề".