1. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo thong thả kê chiếc bàn khắc nghiêm ngắn trước hiên nhà. Hộc chứa dụng cụ nghề mộc đặt kế bên, có đến hai chục loại. Những mũi dao, mũi đục bé xíu, có mũi đục chỉ cỡ vài mi-li-mét. Anh đặt tấm ván gỗ thị bàn khắc, ngồi xếp bằng như khi người ta bắt đầu một cuộc thưởng trà, rồi giở bản kinh Phật “Ngũ bách danh Quán thế âm kinh” để xem lại. Bản kinh với những nét chữ vuông vức, sắc nét của một tay bút thâm niên. Bấy giờ, công việc của anh mới bắt đầu. Anh “chuyển thể” bản kinh chữ Hán ấy thành bản khắc gỗ, để in ấn bản mới khi cần.
Tấm ván gỗ thị một chiều khoảng 20cm, một chiều 40cm đã dán úp một tờ kinh chép trên giấy dó lụa. Tấm dó lụa mỏng tang, được phết một lớp dầu thực vật khiến các chữ Hán cổ hiện lên khá rõ, nhưng là những chữ ngược. Cầm chiếc dao khắc trên tay, anh Thạo bắt đầu “đi nét”. Đầu tiên, là những nét viền của từng nét chữ. Con dao khắc đi đủ các đường uốn lượn hay gấp khúc và cả những “ngóc ngách” của con chữ ở độ sâu đều đặn chừng 2 mi-li-mét. Kế đó, anh đi những nét ngay sát cạnh đường viền con chữ, để đục bỏ những phần không có nét. Khâu này gọi là “hạ nền”. Tiếp đến, mới đi vào “lòng chữ”.
Mỗi chữ có kích thước chỉ vỏn vẹn mỗi chiều 1cm, mà có hàng chục nét ngang dọc, đâm chéo lẫn nhau khiến việc khắc lòng chữ kỳ công hơn. Con dao khắc trong tay phải đủ cứng để khoét gỗ đủ sâu, lại vừa đủ mềm để “đi” được những nét phẩy, nét mác, nét móc... Riêng nét móc lại có cả chục kiểu, phải làm sao lột tả đúng được những đường nét khi đuôi chữ hất lên, khi mềm mại, khi rắn rỏi. Nghệ nhân dành toàn bộ tâm trí cho công việc trước hiên ngôi nhà năm gian lợp ngói ta, chung quanh đầy những bản kinh, bản khắc tranh dang dở. Theo từng nét khắc, những mẩu gỗ bung ra, con chữ dần hiện lên. Anh Thạo dừng tay, lấy mực phết lên những con chữ mới khắc thử “nghiệm thu”. Trên mặt gỗ, những con chữ vuông vức mà uyển chuyển, không khác gì người viết bằng bút lông.
“Nếu khắc chuông, khắc bia đá, người ta khắc âm bản, các nét chữ tạo thành do người ta đục vào thân chuông, thân bia. Với khắc mộc bản, các nét chữ tạo thành bằng cách đục hết phần còn trống trên ván gỗ, chỉ để lại phần nét, tạo thành bản khắc nổi, gọi là khắc dương bản. Sau này, quết mực lên, úp tờ giấy dó vào là sẽ in được một tờ kinh”. Phải đến khi dừng tay, anh Thạo mới bắt đầu câu chuyện.
Khắc chữ là công đoạn cuối của khắc mộc bản. Một người có thâm niên như nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo, phải mất tới năm ngày để khắc một tấm ván in được hai tờ kinh. Một buổi sáng chuyên tâm, cũng chỉ được khoảng hơn chục chữ. Khắc một cuốn sách, thời gian sẽ tính bằng tháng, bằng năm.
2. Vốn có nghề đục, chạm gia truyền, hai mươi tuổi, đôi bàn tay nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo “đụng” vào gỗ là thành rồng, thành phượng, thành hoa lá. Anh mê công việc của mình. Nhà cách chùa Bút Tháp (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) - một bảo tàng kiến trúc, điêu khắc cổ truyền - chỉ mấy bước chân nhưng anh thường quên lối về trước những nét đục chạm của người xưa.
Nếu lỡ tay một chút sẽ bị phá nét. Mà phá nét khi khoét một mẩu gỗ đi rồi, thì coi như bản khắc ấy bị hỏng. Có những khi do yêu cầu phải khắc những chữ chỉ như hạt gạo
Nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo
Sinh ra từ làng, lớn lên ở làng, những tưởng anh cứ mãi gắn bó với những hoành phi, câu đối, ban thờ... nào ngờ một ngày khi đến chùa Bút Tháp, anh thấy họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng ở đó. Thầy Thượng đang khắc gỗ, để in tranh. Anh Thạo “nhập tâm” ngay. Nhưng “anh thợ mộc làng” cũng chỉ quan sát từ xa, chưa dám thưa chuyện. Một ngày, anh đánh bạo hỏi chuyện thầy. Đó cũng là khi anh bước chân vào một thế giới khác...
Khi ấy Thạo đã gần 30 tuổi, đang là một thợ mộc lành nghề, có xưởng riêng. Nhưng bấy giờ, anh mới biết đến các dòng tranh dân gian. Và anh bắt đầu “khởi nghiệp” khắc gỗ. “Mình chỉ đục chạm rồng, phượng, hoa lá theo các cụ chỉ bảo thôi. Các thầy đã giúp mình hiểu thế giới tranh khắc gỗ dân gian, với những dòng tranh như: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ... hay các loại tranh dùng trong hoạt động tâm linh.
Tranh khắc gỗ có cái gần gũi với nghề nghiệp của mình là việc chế tác các bản khắc gỗ để in tranh. Mình biết đến bố cục tranh, những dạng thức trang trí trong tranh dân gian. So với chạm khắc gỗ, thì khắc tranh dân gian khó hơn nhiều vì rất nhiều chi tiết nhỏ. “Động” đến tranh dân gian thì nhiều bức có chữ Hán, chữ Nôm trên tranh. Nếu khắc giỏi mà không biết chữ, vừa dễ khắc sai, mà nếu không khắc sai, cũng chỉ chuyển tải được cái “hình” của chữ”, nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo nhớ lại.
Như một cơ duyên, cùng làm tranh khắc với họa sĩ Phan Cẩm Thượng lúc ấy có thư pháp gia Lê Quốc Việt, một người uyên thâm Hán học hàng đầu Việt Nam. Nhờ đó, anh thợ mộc làng được “thọ giáo” cả hai người thầy nổi tiếng ấy.
Là thợ mộc lành nghề, nhưng đấy mới là “nền” để bước vào khắc chữ. Anh Thạo phải đi nhiều, học nhiều. Khắc mộc bản chủ yếu dùng gỗ thị. Sơ chế gỗ cũng đã kỳ công. Cây thị phải già mới được hạ xuống, tốt nhất là cây già đến độ không còn ra quả. Hạ xuống để đó ít nhất ba tháng, cây khô dần tự nhiên mới xẻ thô, ngâm dưới nước từ ba tháng đến một năm. Vớt lên, xẻ ra thành những bản với kích thước đủ dùng, lại phải hong cho khô dần bằng gió, chứ không được đem đi phơi nắng. Bản khắc để lưu lại cả trăm năm, nên phải đạt chừng ấy công đoạn, sau này mới không co ngót, cong vênh, nứt vỡ, và đạt độ thấm mực vừa đủ cho việc in ấn sau này. Bấy giờ, mới mài phẳng rồi có thể bắt đầu khắc chữ.
Hồi mới vào nghề, khắc xong mấy chữ, in ra, anh Thạo phấn khởi lắm. Nhưng khi các thầy phân tích, anh lại muốn “giấu tiệt” thành quả của mình đi. Đơn giản nhất là chữ “nhất”, chỉ gồm một nét ngang. Nhưng nét ấy đầu nét đậm, giữa nét lại thanh mảnh, cuối nét lại đậm nhưng hơi thuôn dài. Mà hầu như nét nào của chữ Hán cũng chỗ “nặng”, chỗ “nhẹ” như thế. Nếu không đạt yêu cầu ấy, thì không thể “lưu hậu thế” được. Chỉ còn mỗi một cách khắc phục là phải hiểu hơn về Hán tự, và rèn luyện đôi tay hằng ngày.
Từ một người thợ mộc lành nghề, phải mất đúng bảy năm, anh mới thạo nghề khắc mộc bản. “Nếu lỡ tay một chút sẽ bị phá nét. Mà phá nét khi khoét một mẩu gỗ đi rồi, thì coi như bản khắc ấy bị hỏng. Có những khi do yêu cầu phải khắc những chữ chỉ như hạt gạo”, do đó khi đã ngồi vào bàn khắc là phải tập trung cao độ, anh không muốn bị làm phiền. Đến với nghề cách đây hai mươi năm, nhưng phải mất tới bảy năm học nghề, không biết bao nhiêu lần anh Thạo phải bỏ đi những tấm ván khắc chỉ vì “nhỡ tay” như thế.
3. Nghề khắc mộc bản có ở nước ta từ rất sớm. Sách Thiền uyển tập anh có đề cập thiền sư Tín Học (thời Lý) là người trong một gia đình làm nghề in sách. Khi kỹ thuật in ấn chưa phát triển, tất cả các sách từ triều đình cho đến dân chúng, muốn “nhân bản” một cách thuận tiện, đều phải thông qua khắc mộc bản. Khắc mộc bản tốn nhiều công sức, cho nên những bộ sách lớn đều do triều đình, hay các trung tâm Phật giáo đứng ra san khắc.
Khi nghề in phát triển, Thăng Long xưa có các phường in khắc ở Hàng Trống, Hàng Nón, Hàng Bông... Nền văn hiến nghìn năm của dân tộc Việt hiện cũng được lưu giữ một phần qua những bộ ván khắc cổ. Nổi tiếng nhất là bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, mộc bản triều Nguyễn - những Di sản tư liệu thế giới của Việt Nam. Riêng mộc bản triều Nguyễn là một khối tài liệu đồ sộ, phản ánh mọi mặt về xã hội Việt Nam như: Lịch sử, địa lý, chính trị-xã hội, quân sự, ngoại giao... dưới triều Nguyễn.
Nghề in khắc mai một từ đầu thế kỷ 20, khi kỹ thuật in ấn hiện đại du nhập vào nước ta. Những hiệu in khắc ở Hà Nội do vậy không còn tồn tại. Hai ngôi làng có nghề in khắc nổi tiếng là Liễu Tràng, Hồng Lục (Hải Dương), từ rất lâu cũng không còn ai làm nghề. Một số người chuyển sang nghề khắc dấu. Nhu cầu của xã hội ít dần. Nhưng những năm gần đây, nhiều người đã nói đến cụm từ “chấn hưng văn hóa”. Điều đó là có thật bởi ngày càng nhiều người quay về tìm lại giá trị nguồn cội. Tranh khắc gỗ nhờ đó từng bước hồi sinh. Nhiều người muốn khắc lại những bộ sách, bộ kinh cổ đúng theo phương pháp truyền thống.
Rất may, còn đó một nghệ nhân ở đất Thuận Thành giữ nghề-nghệ nhân Nguyễn Văn Thạo. Anh chế tác nhiều bản khắc gỗ cho các dòng tranh Kim Hoàng, Hàng Trống, chưa kể làm ván khắc cho nhiều nghệ sĩ khác. Tuy vậy, khắc mộc bản, với anh Thạo, là một “cõi” riêng. “Đấy là một việc trọng. Ngày xưa hay bây giờ cũng thế, khi các chùa tổ chức san khắc một bản kinh, các nhà sư phải dâng hương trước Tam Bảo để báo cáo công việc. Khắc xong rồi, lại làm một nghi lễ nữa để dâng lên Đức Phật.
Những bản khắc ấy sẽ lưu lại cho hậu thế, cho mai sau, được cộng đồng trân trọng. Là một người thợ, mình tự hào được tham gia vào công việc thiêng liêng ấy”, anh Thạo giải thích. Và điều đó cũng lý giải tại sao, anh hoàn toàn nhập tâm bằng thái độ nghiêm cẩn khi cầm trên tay dao, đục, ngồi vào bàn để khắc những lời Phật dạy chúng sinh...