Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Phát huy giá trị di sản tư liệu

Việt Nam còn nhiều di sản tư liệu quý giá. Đây là nguồn sử liệu gốc phản ánh lịch sử đất nước, xã hội, con người Việt Nam trong từng giai đoạn. Di sản tư liệu cần được kiểm kê, bảo vệ, số hóa, thống nhất hoạt động quản lý và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện đại.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có chế độ bảo quản hiệu quả các di sản ván khắc tranh dân gian.
Cần có chế độ bảo quản hiệu quả các di sản ván khắc tranh dân gian.

Tư liệu là di sản

Theo UNESCO, Di sản tư liệu gồm các tài liệu, hoặc nhóm tài liệu, có giá trị đáng kể và lâu dài đối với một cộng đồng, một nền văn hóa, hay một quốc gia, hoặc đối với nhân loại nói chung, mà sự xuống cấp hay mất mát sẽ là sự nguy hại.

Các di sản tư liệu của mỗi dân tộc, mỗi vùng miền, địa phương đều có bản sắc, nét độc đáo riêng. Những di sản tư liệu đó phản ánh một bề dày lịch sử-văn hóa. Việc bảo tồn và phát huy các di sản tư liệu là nhiệm vụ có ý nghĩa sâu sắc vì di sản tư liệu chứa đựng hồn phách của dân tộc, trong đó kiến thức và kinh nghiệm được truyền lại, các phong tục và tập quán văn hóa được ghi chép. Nó là kho báu về tri thức và lịch sử. Nó cần được bảo tồn và bảo vệ một cách đầy đủ vì lợi ích của tất cả. Nó cần được tiếp cận và tái sử dụng vì là nguồn cung cấp sự hiểu biết lịch sử xã hội, chính trị, văn hóa… với cộng đồng cũng như với các cá nhân. Nó tham gia vào việc quản trị xã hội và phát triển bền vững. Nó xác định ký ức quốc gia và bản sắc của mỗi Nhà nước và do đó góp phần vào việc xác định vị trí của quốc gia trong cộng đồng thế giới.

Di sản tư liệu không phải là di sản phi vật thể như cách hiểu sai phổ biến. Chúng là di sản vật thể - bao gồm “vật mang tin” có các ký tự hoặc một dạng thức mã hóa thông tin tại thời điểm lịch sử nó ra đời - trên đó thể hiện nội dung thông tin cụ thể, truyền lại được cho đời sau. Những di sản vật thể mang tư liệu này cần chế độ bảo quản riêng phù hợp với mỗi loại hình.

Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên, với thời gian, chiến tranh và do cả hạn chế về nhận thức của con người nên nhiều di sản tư liệu đã bị biến mất và đang có nguy cơ biến mất. Việc sưu tầm, bảo tồn, truyền lại cho các thế hệ mai sau và phát huy các di sản tư liệu ngày càng trở nên cấp thiết.

Dù nguồn di sản tư liệu phong phú nhưng nếu không được quản lý tốt sẽ sớm hư hại, mất mát. Không ít bia đá đang phơi mình dưới nắng mưa, nhiều kho mộc bản còn chưa được bảo quản tốt, nguồn thư tịch cổ chưa được đầu tư đúng mức sẽ dẫn đến hư hại, thất thoát... Bên cạnh đó, vẫn có những cán bộ làm công tác văn hóa lợi dụng sự tin tưởng mà “mượn” tư liệu quý (như sắc phong, sách cổ…) rồi “lờ” đi không trả.

Ngoài tài liệu, tư liệu đã sưu tầm được và đang được các cơ quan nhà nước quản lý, có nhiều di sản tư liệu quý hiếm còn đang ở trong khu vực tư nhân, gia đình, dòng họ. Với những tư liệu này, ở nhiều nơi, người giữ tư liệu còn chưa được hướng dẫn cách bảo quản lâu dài tư liệu quý mà thường chỉ làm theo những kinh nghiệm mình có. Chỉ cần nêu: Với các sắc phong, gia phả được in/viết trên giấy, vải lụa… người dân chỉ biết thể hiện sự trân trọng bằng cách cất trong hộp quý, khóa lại, để nơi kín đáo (đặt trên bàn thờ, gác trên xà nhà…) nhưng chưa lường được nguy cơ mất tư liệu độc bản nếu cháy nổ xảy ra... Đây là những điều rất hay gặp.

Cần thực hiện hai công việc và hoàn thiện quy phạm pháp luật

Muốn di sản tư liệu được bảo vệ và phát huy giá trị phải đồng thời thực hiện hai công việc: bảo quản hiện vật gốc và số hóa. Việc số hóa giúp bảo quản tốt nhất tư liệu gốc mà vẫn phát huy được giá trị của di sản tư liệu. Đây cũng chính là mục tiêu của Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO: bảo quản, tiếp cận di sản tư liệu và nâng cao nhận thức của xã hội về di sản tư liệu.

Năm 2009, Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Đến nay Việt Nam đã có chín di sản tư liệu được UNESCO ghi danh, bao gồm ba di sản tư liệu thế giới và sáu di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ẩn chứa trong những di sản tư liệu đặc sắc này là các giá trị trên nhiều mặt: lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học. Tuy nhiên đã qua 13 năm, vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản tư liệu. Đó là chưa kể tới cơ chế tài chính dành cho nhiều công việc: nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản và các giải pháp phát huy giá trị chưa tương xứng với tiềm năng phong phú của khối di sản này.

Mặt khác, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý di sản tư liệu chưa được quy định trong Luật Di sản văn hóa. Các tiêu chí về nhận diện, quy trình, thủ tục lập hồ sơ đưa vào các Danh mục di sản tư liệu cấp tỉnh và quốc gia còn chưa được xây dựng cụ thể và quy trình thực hiện còn chưa thống nhất, đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý đối với việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu vẫn là việc cấp thiết.