Trách nhiệm và quyết tâm mở ra hướng đi mới từ chuyển đổi số

Trong bài viết “Chuyển đổi số - động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 2/9/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Người bệnh thao tác thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp.
Người bệnh thao tác thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp.

Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất. Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế-xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại.

Theo Tổng Bí thư, quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa bảo đảm bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Thực tế quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, khi cấp ủy, ban lãnh đạo có nhận thức đúng, đủ, thống nhất quyết tâm và hành động thì việc chuyển đổi tư duy, cách làm dù khó mấy cũng trở nên khả thi và tạo cơ hội cho chính mình trong xu thế cạnh tranh và phát triển.

Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện, Thầy thuốc Nhân dân Hà Hữu Tùng cho biết, thực hiện chủ trương về chính phủ điện tử, số hóa trong công tác khám, chữa bệnh, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đã thành lập Ban chỉ đạo để triển khai nhiệm vụ từ năm 2017. Quá trình triển khai bệnh án điện tử ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, cả người bệnh và nhân viên y tế đều lúng túng, lo lắng khi chưa có đơn vị nào sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy; đội ngũ nhân viên y tế chưa hiểu hết tầm quan trọng, ý nghĩa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh; nghiệp vụ thay đổi, cùng với thực trạng thiếu các thiết bị cá nhân, hệ thống lưu trữ, nguồn internet, nguồn điện chưa bảo đảm đồng bộ… Với quyết tâm cao, lãnh đạo bệnh viện cùng các bộ phận chuyên môn phân tích và đánh giá thuận lợi, khó khăn, điểm mạnh, điểm yếu để đưa ra phương án triển khai. Vừa làm vừa lấy ý kiến góp ý theo các chuyên ngành, bổ sung cho thực tế, nhằm tối giản thao tác nghiệp vụ đồng thời vẫn bảo đảm nghiệp vụ y tế. Nhờ các giải pháp thiết thực, phù hợp, sự thống nhất và quyết tâm cao, bệnh viện đã trở thành một trong sáu đơn vị tiên phong trên toàn quốc triển khai thành công bệnh án điện tử.

Đến nay, bệnh viện đã số hóa toàn bộ quy trình khám, chữa bệnh, thanh toán viện phí điện tử không sử dụng tiền mặt; đồng bộ, lưu trữ, liên thông toàn bộ dữ liệu liên quan người bệnh không chỉ tại bệnh viện mà với cả cơ quan bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế về hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú, khám sức khỏe định kỳ, tiêm chủng; giảm đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, tăng thời gian cho nhân viên y tế khám bệnh, điều trị, chăm sóc, tư vấn cho người bệnh. Đặc biệt, người bệnh có thể đăng ký khám thông qua điện thoại, website, tự đăng ký thông qua ki-ốt thông tin, hẹn khám, truy cập hồ sơ sức khỏe cá nhân ở mọi lúc, mọi nơi.

Sự thay đổi trong triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, với các chức năng hỗ trợ người dùng, chức năng cảnh báo, hỗ trợ ra quyết định, hỗ trợ giám sát, đã tạo ra hiệu quả khác biệt, như chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp Hà Hữu Tùng, chất lượng hồ sơ bệnh án nâng lên, tăng thời gian khám bệnh, đặc biệt là số lượng bệnh nhân ngoại trú, nội trú; giảm chi phí in phim, giấy tờ, mực in, máy móc phục vụ cho việc in ấn và lưu trữ hồ sơ, ước tính mỗi năm tiết kiệm cả chục tỷ đồng. Việc tối ưu hóa trong thủ tục hành chính giúp người dân không cần xếp hàng, thanh toán viện phí tại giường bệnh thông qua nhiều hình thức đa dạng như: chuyển khoản bằng mã quét QR động, quẹt thẻ thanh toán bằng POS, mini POS… Hiện nay, tỷ lệ thanh toán viện phí không sử dụng tiền mặt ở Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp đã đạt hơn 80%, được đánh giá là tỷ lệ cao nhất cả nước.

Kinh nghiệm từ Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp là minh chứng cho hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước về triển khai Chính phủ điện tử, minh bạch tài chính, hướng tới phục vụ nhân dân. Tiếp nối kết quả đạt được, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư với tư duy đổi mới không ngừng, từ Ban lãnh đạo đến từng nhân viên, quyết tâm cập nhật và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất, Bệnh viện đa khoa Nông nghiệp không chỉ hướng tới mục tiêu trở thành bệnh viện công nghệ số hàng đầu khu vực mà còn mở ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành y tế.