Bình Thuận đầu tư hạ tầng để phát triển chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh Bình Thuận tập trung chuyển đổi số đã có những phát triển xã hội số với nhiều bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao đời sống của người dân. Phấn đấu đến năm 2025, Bình Thuận trở thành một trong những địa phương đi đầu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
0:00 / 0:00
0:00

Chiều 21/10, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa 14) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Hoài Anh chủ trì cuộc họp. Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị, thành ủy.

Dự tại điểm cầu của Ban Thường vụ Tỉnh ủy có đồng chí Đoàn Anh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Hồng Hải; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

Bình Thuận đầu tư hạ tầng để phát triển chuyển đổi số ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Nguyễn Hoài Anh chủ trì cuộc họp.

Đời sống người dân được nâng lên

Thời gian qua, các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh Bình Thuận đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận và đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Ông Võ Thành Công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận, cho biết, hạ tầng viễn thông được nâng cấp để phủ sóng rộng khắp, các doanh nghiệp viễn thông cũng không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh đã được hoàn thiện, hoạt động ổn định, bảo đảm an toàn thông tin.

Hệ thống thông tin, nền tảng số dùng chung và chuyên ngành tiếp tục được xây dựng, phát triển hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng đem lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xử lý công việc trên môi trường số.

Cơ sở dữ liệu chuyên ngành từng bước được xây dựng, phát triển và đưa vào khai thác sử dụng.

Hệ thống thông tin, nền tảng số được tập trung triển khai thực hiện và vận hành. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được đầu tư mở rộng, hoàn thiện đến cấp xã. Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Số lượng doanh nghiệp chuyển đổi số tăng nhanh, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thanh toán không dùng tiền mặt và thương mại điện tử ngày càng phổ biến.

Bình Thuận đầu tư hạ tầng để phát triển chuyển đổi số ảnh 2

Địa điểm tham quan được gắn mã QR để người dân có thể quét tìm hiểu thông tin.

Phát triển xã hội số có những bước tiến quan trọng, góp phần nâng cao đời sống của người dân.

Tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh đã thu nhận khoảng 1,3 triệu hồ sơ căn cước công dân. Đến ngày 15/8, đã tổ chức thu nhận khoảng 836 nghìn tài khoản định danh điện tử, kích hoạt hơn 670 nghìn tài khoản, tỷ lệ kích hoạt đạt 80,77%.

Tỷ lệ dân số có danh tính số đạt 81,42%. Tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 92% tổng dân số.

Hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng từng bước phát huy hiệu quả, đến nay toàn tỉnh có 697 Tổ công nghệ số cộng đồng tại địa phương với 3.418 thành viên.

Ứng dụng Công dân số Bình Thuận cũng đã được đưa vào sử dụng rộng rãi, tạo kênh tương tác giữa người dân với chính quyền qua môi trường số.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số được quan tâm thực hiện thường xuyên, nhờ đó, nguồn nhân lực địa phương đã được trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào quá trình chuyển đổi số từng bước được hoàn thiện.

Bình Thuận đầu tư hạ tầng để phát triển chuyển đổi số ảnh 3

Ông Võ Thành Công, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Thuận phát biểu tại cuộc họp.

Tiếp tục quan tâm chuyển đổi số hơn

Nhiều sở, ngành, địa phương cũng nêu những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện ở một số ngành, lĩnh vực như tài nguyên môi trường, y tế, giáo dục…

Bên cạnh đó, kết quả chuyển đổi số trên một số ngành, lĩnh vực chưa rõ nét; tiến độ, kết quả triển khai một số dự án, nhiệm vụ về chuyển đổi số chưa đạt thời gian theo yêu cầu; các cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số chậm được triển khai, chưa hoàn thành để đưa vào sử dụng…

Ngoài ra, các đơn vị nêu giải pháp để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số nhằm đưa Bình Thuận trở thành một trong những địa phương đi đầu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số vào năm 2025.

Đồng chí Nguyễn Hoài Anh, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, cho biết, đánh giá cao các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh có nhiều nỗ lực cố gắng để triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy Bình Thuận và đạt được kết quả, công tác chuyển đổi số có chuyển biến khá tích cực.

Tuy nhiên bên cạnh đó, kết quả chuyển đổi số vẫn còn chậm so yêu cầu, công tác chuyển đổi số chưa được quan tâm đúng mức, việc đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ…

Nhấn mạnh chuyển đổi số là xu thế tất yếu, nếu làm chậm thì tỉnh sẽ ngày càng tụt hậu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của nhân dân và sự phát triển của tỉnh.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đề nghị, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết số 10-NQ/TU đề ra, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt bảy chỉ tiêu còn lại; đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Thủ tướng.

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số bằng nhiều hình thức.

Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh nhấn mạnh, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn thành Đề án chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2025-2030 gắn với tính toán phân bổ nguồn lực cho phù hợp; Đề án Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh; Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược dữ liệu quốc gia.