Tạo đột phá trong chuyển đổi số

Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 30/12/2022 của Thành ủy Hà Nội về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đặt mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh được xây dựng trên ba trụ cột chính: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Sau gần hai năm triển khai nghị quyết này, những nét chính của một thành phố Hà Nội thông minh đang dần hình thành.
0:00 / 0:00
0:00
Tập đoàn FPT giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.
Tập đoàn FPT giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Gần hai năm qua, quá trình chuyển đổi số tạo ra những chuyển biến tích cực trên địa bàn Hà Nội. Ðến nay, 100% dịch vụ công đủ điều kiện đã được cung cấp trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, giúp người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ công một cách nhanh chóng, minh bạch. Tổng số 2,5 triệu hồ sơ trực tuyến được xử lý thành công.

Hà Nội đã thí điểm thành công việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, làm cơ sở để Chính phủ triển khai trên phạm vi toàn quốc. Các dịch vụ thanh toán an sinh xã hội, chi trả lương hưu không dùng tiền mặt cũng được triển khai đồng bộ, hiệu quả, cơ bản đến nay đều đạt hơn 90%. Mới đây, thành phố còn xây dựng và triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHaNoi".

Ứng dụng này đã trở thành kênh tương tác trực tuyến hiệu quả giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thành phố. Cùng với đó, thành phố vận hành chính thức Hệ thống Thông tin phục vụ họp và xử lý công việc (E-Cabinet) tích hợp với phòng họp thông minh; triển khai ứng dụng "Thẻ vé giao thông Hà Nội" sử dụng thẻ QR động (thẻ ảo) cho vận tải hành khách công cộng…

Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, đến nay, thành phố đã hoàn thành tám mục tiêu trong tổng số 15 mục tiêu theo Nghị quyết số 18, bảy mục tiêu đang tiếp tục được triển khai thực hiện. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết số 11/2024/NQ-HÐND ngày 15/5/2024 quy định việc hỗ trợ phí cung cấp thông tin lý lịch tư pháp qua ứng dụng định danh và xác thực điện tử (VNeID).

Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết số 07/2003/NQ-HÐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí bằng 0 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Thành phố đang đầu tư, xây dựng, hoàn thiện, phát triển đồng bộ và hiện đại hạ tầng số đáp ứng nhu cầu thực tiễn và sẵn sàng cho các mục tiêu chuyển đổi số như: Ðưa vào vận hành trung tâm dữ liệu chính; tiếp tục duy trì mạng diện rộng của thành phố (mạng WAN).

Về phát triển kinh tế số và xã hội số, hiện 99,5% số tổ chức, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử. Tất cả hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Thương mại điện tử đã phát triển mạnh với doanh thu tăng 40% so với năm 2023… Về xã hội số, gần 5.000 tổ chuyển đổi số cộng đồng với hơn 30.000 thành viên đã hoạt động tích cực, giúp người dân nắm bắt và trải nghiệm các dịch vụ số.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đánh giá, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 vẫn còn những hạn chế. Nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hầu hết đều thực hiện kiêm nhiệm. Hạ tầng kỹ thuật của một số đơn vị còn chưa đồng bộ. Mạng nội bộ hoạt động không ổn định, hay bị "treo", đứt cáp. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính chưa cập nhật đầy đủ quy trình giải quyết chung của thành phố. Một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành về đất đai, xây dựng… còn chưa bảo đảm tiến độ.

Trước kết quả này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, trong thời gian tới, các cấp ủy và người đứng đầu cấp ủy cần tiếp tục nâng cao nhận thức và đổi mới mạnh mẽ tư duy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh để đáp ứng được mục tiêu là chuyển đổi số phải rút ngắn được quy trình, thủ tục giải quyết công việc; minh bạch, công khai quá trình phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính với tinh thần người dân vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể sáng tạo. Các đơn vị đẩy mạnh hơn nữa tiến độ hoàn thành các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, khẩn trương rà soát, tối ưu quy trình hành chính nội bộ, quy trình giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện các hệ thống thông tin dùng chung đã triển khai, không để tình trạng lỗi, mất ổn định gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, đơn vị và ảnh hưởng đến trải nghiệm của người dân khi tham gia hệ thống.