Trả lời kiến nghị của cử tri về ba nội dung liên quan tới chính sách bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời một số kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh liên quan tới chi trả lương hưu, quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội và tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động .
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: nhandan.vn)
(Ảnh: nhandan.vn)

Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có văn bản số 4304/BHXH-TCKT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh về việc trả lời cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, cơ quan này nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển tới trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nội dung kiến nghị như sau: “Cử tri phản ánh việc tăng lương cho người hưu trí được quy định bắt đầu từ ngày 1/7/2023 nhưng đến giữa tháng 8/2023 mới nhận được lương, cơ quan bảo hiểm xã hội giải thích chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo cử tri, cách giải thích này không thuyết phục vì thông tin tăng lương đã được thông báo từ đầu năm. Cử tri đề nghị việc bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội cần được quản lý nghiêm túc, chặt chẽ. Đồng thời, cử tri đề nghị các trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải bị xử lý nghiêm.”

Chi trả lương hưu tăng thêm cho người hưởng từ ngày 14/8/2023

Về nội dung “Cử tri phản ánh việc tăng lương cho người hưu trí được quy định bắt đầu từ ngày 1/7/2023 nhưng đến giữa tháng 8/2023 mới nhận được lương, cơ quan bảo hiểm xã hội giải thích chưa kịp thời có văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo cử tri cách giải thích này không thuyết phục vì thông tin tăng lương đã được thông báo từ đầu năm”, Bảo hiểm xã hội cho biết, ngày 29/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 42/2023/NĐ-CP điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng.

Để bảo đảm người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được hưởng mức hưởng mới sớm nhất, việc chi trả thực hiện ngay từ ngày 14/8/2023 (ngày đầu tiên Nghị định có hiệu lực thi hành).

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã thông báo rộng rãi về quy định của chính sách mới ngay khi Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ban hành. Tuy nhiên, Nghị định số 42/2023/NĐ-CP và Thông tư số 06/2023/TT-BLĐTBXH đều có hiệu lực từ ngày 14/8/2023, với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách, ngành bảo hiểm xã hội không được phép chi trả mức hưởng mới trước ngày Nghị định có hiệu lực thi hành.

Để bảo đảm người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng được hưởng mức hưởng mới sớm nhất, không phải đi lại nhiều lần, ngành bảo hiểm xã hội đã có văn bản báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và tổ chức kỳ chi trả tháng 8/2023 ngay từ ngày 14/8/2023 (ngày đầu tiên Nghị định có hiệu lực thi hành) và ghi rõ số tiền người hưởng được hưởng tại Danh sách chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (C72a-HD) để người thụ hưởng biết được phần tăng thêm (tháng 7 và tháng 8/2023) của mình.

Bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội

Đối với nội dung “Cử tri đề nghị việc bảo toàn Quỹ Bảo hiểm xã hội cần được quản lý nghiêm túc, chặt chẽ”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hoạt động đầu tư các quỹ bảo hiểm được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm và Nghị định số 30/2016/NĐ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động đầu tư từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Hoạt động đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc “bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư”.

Các khoản đầu tư được theo dõi, hạch toán kế toán chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Thông tư số 102/2018/TT-BTC ngày 14/11/2018 về Hướng dẫn kế toán bảo hiểm xã hội.

Hoạt động đầu tư quỹ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam được thực hiện theo nguyên tắc “bảo đảm minh bạch, an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư”.

Căn cứ tình hình thu, chi Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng phương án đầu tư trình Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội thông qua.

Những năm gần đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn thực hiện đầu tư theo đúng phương án đầu tư đã được Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội thông qua, bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào hình thức mua trái phiếu Chính phủ không thấp hơn 80% tổng số dư nợ đầu tư, bảo đảm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời bảo toàn và tăng trưởng các Quỹ Bảo hiểm, lãi đầu tư hoàn thành chỉ tiêu do Thủ tướng Chính phủ giao.

Thực hiện đúng Nghị quyết 09/2021/UBTVQH15 ngày 8/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2022-2024, hằng năm, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đều được Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán; trong đó, có nội dung về bảo toàn Quỹ bảo hiểm xã hội.

Những nguyên nhân dẫn đến chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Đối với nội dung “Cử tri đề nghị các trường hợp doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động phải bị xử lý nghiêm”, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin, những năm vừa qua, ngành đã quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đôn đốc thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Cụ thể như: Điều tra, khảo sát, nắm bắt, phân loại để có các giải pháp phù hợp với từng đơn vị, tuyên truyền, đối thoại, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính, công khai danh tính, đến cơ quan Công an, kiến nghị điều tra, khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và phối hợp với các ngành: lao động-thương binh và xã hội, thuế, công an, kế hoạch-đầu tư, báo chí, truyền thông và các tổ chức chính trị-xã hội có liên quan trong thực hiện các giải pháp nhằm giảm số tiền chậm đóng.

Chính vì vậy, tỷ lệ số tiền chậm đóng so với số phải thu giảm dần qua từng năm. Nếu như năm 2016 tỷ lệ này là 3,75% thì đến hết năm 2022 giảm xuống còn 2,91%, thấp nhất từ trước đến nay.

Ngành bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng quyết liệt trong việc thanh tra chuyên ngành, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, xử phạt vi phạm hành chính và lập hồ sơ kiến nghị khởi tố đối với các hành vi vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016 đến ngày 15/11/2023, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành hơn 4.252 quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với số tiền xử phạt là 217,9 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2018 (Bộ luật Hình sự có hiệu lực) đến tháng 10/2023, ngành đã lập, gửi 378 hồ sơ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều tra, khởi tố hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự.

Đặc biệt, trong năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Cục An ninh Chính trị nội bộ, Văn phòng Bộ Công an thực hiện kiểm tra liên ngành việc chấp hành pháp luật về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Mục tiêu là phát hiện đơn vị có dấu hiệu chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, lập hồ sơ làm căn cứ xử lý vi phạm, đồng thời làm rõ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách các quy định của pháp luật liên quan đến chậm đóng, trốn đóng để kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện chính sách.

Mặc dù đã triển khai quyết liệt các biện pháp nêu trên, tuy nhiên đến nay tình trạng, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp vẫn xảy ra, ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động, do một số nguyên nhân chính như: Ý thức chấp hành chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của nhiều chủ sử dụng lao động còn chưa nghiêm; thiếu quan tâm đến quyền lợi của người lao động; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, do thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu...

Đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị xử lý hình sự về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ những vướng mắc về cơ chế chính sách cũng như thực tiễn thực hiện, cụ thể là ba nguyên nhân sau

Trước hết là nguyên nhân từ quan điểm áp dụng pháp luật.

Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định, hành vi cấu thành tội trốn đóng là hành vi “Không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định” và “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.

Tuy nhiên, khi áp dụng quy định để xử lý hình sự thì vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau: (1) có quan điểm cho rằng: hành vi đã bị xử phạt là hành vi “không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định”; (2) quan điểm khác lại xác định: hành vi đã bị xử phạt phải là hành vi “trốn đóng” và việc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn đóng là một trong những điều kiện để khởi tố đối với tội danh này.

Tiếp đó là nguyên nhân từ vướng mắc trong việc xác định hành vi vi phạm.

Cơ quan bảo hiểm xã hội đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi trốn đóng để xử phạt vi phạm hành chính. Mặc dù, việc xử phạt hành chính đối với hành vi trốn đóng đã được quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP và khoản 2 Điều 80 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, nhưng không có văn bản nào quy định rõ khái niệm thế nào là “trốn đóng” do vậy không có cơ sở xác định yếu tố lỗi để xử phạt hành chính về hành vi “trốn đóng” làm cơ sở, tiền đề cho việc xử lý hình sự.

Thực tế cho thấy, hiện nay trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan bảo hiểm xã hội chỉ có thể xác định là không đóng hoặc đóng không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế và đóng không đúng mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế quy định … mà không đủ công cụ, phương pháp (như cơ quan điều tra) để xác định được các hành vi đó là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không chứng minh được người có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn như hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP.

Cùng với đó là vướng mắc từ chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ràng buộc của việc xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng là việc đã bị xử lý hành chính mà còn tiếp tục vi phạm. Trong xử lý hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế chủ thể bị xử lý là người sử dụng lao động, hầu hết là pháp nhân (rất ít người sử dụng lao động là cá nhân).

Hiện nay, chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị sử dụng lao động.

Vì vậy, nếu xử lý hình sự theo Điều 216 phải xử lý với pháp nhân (không xử lý được cá nhân). Mặc dù, việc quy định pháp nhân thương mại là chủ thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự là tiến bộ, tuy nhiên, việc xử lý hình sự hướng tới chủ thể này mang tính trách nhiệm chung và chỉ có thể áp dụng hình phạt tiền nên hạn chế tính răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của pháp luật.

Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã và đang tích cực kiến nghị, đề xuất và phối hợp các cơ quan chức năng trong quá trình bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật liên quan đến việc xử lý vi phạm về trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế, tạo sự đồng bộ giữa các quy định pháp luật hành chính và pháp luật hình sự trong việc xử lý các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trình lên Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV trong tháng 11 năm 2023 đã bổ sung một số nội dung, quy định rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng, gia tăng hình phạt đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đó là: phạt tiền theo ngày, trường hợp đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng từ 6 tháng trở lên thì ngừng sử dụng hóa đơn, từ 12 tháng trở lên hoãn xuất cảnh đối với người đại diện theo pháp luật, người được ủy quyền thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật,.. nhằm giảm, hạn chế tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bảo đảm quyền lợi cho người lao động.