Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

NDO - Sáng 8/9, tại Hà Nội, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) tổ chức Hội thảo tổng kết triển khai Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Tham dự Hội thảo, có Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh; cùng gần 80 đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu đầu ngành về ngôn ngữ và văn hóa.

Hội thảo kết nối trực tuyến tới các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đại diện các hội đoàn, cơ sở dạy tiếng Việt và đông đảo đại biểu kiều bào từ gần 50 điểm cầu tại nhiều quốc gia.

Triển khai đồng bộ công tác về tiếng Việt

Hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tổ chức các hoạt động liên quan Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan ở trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; qua đó cổ vũ, khuyến khích cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tăng cường học tập và sử dụng tiếng Việt.

Đồng thời, hội thảo đề xuất phương hướng, biện pháp, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, giá trị của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; tăng cường triển khai các hoạt động tôn vinh tiếng Việt cả trong và ngoài nước; từ đó thúc đẩy việc gìn giữ, học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Phát biểu khai mạc tại hội thảo, Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng khẳng định, song song công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, công tác về tiếng Việt luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm sâu sắc, được khẳng định thành chủ trương nhất quán, xuyên suốt và nêu thành nhiệm vụ cụ thể trong các văn bản chỉ đạo về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, như Nghị quyết số 36-NQ/TW, Chỉ thị số 45-CT/TW và mới đây nhất là Kết luận số 12/KL-TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.

Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 1

Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng phát biểu ý kiến.

Theo Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng, Đề án Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8/2022 có thể coi là đột phá trong công tác về tiếng Việt, sẽ tạo động lực quan trọng thúc đẩy các hoạt động giảng dạy, học tập và đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu thiết thực của cộng đồng.

Năm 2023 là năm đầu tiên tổ chức triển khai Đề án, ghi dấu ấn với những hoạt động tôn vinh tiếng Việt được triển khai đồng bộ với quy mô rộng khắp cả trong và ngoài nước, với sự chung tay và tham gia tích cực của các ban, bộ, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và nhất là của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trở thành sự kiện thu hút, tạo hiệu ứng lan tỏa các giá trị cao đẹp của ngôn ngữ và văn hóa dân tộc.

Những thuận lợi, khó khăn

Trong hai giờ diễn ra Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe nhiều tham luận từ các Cơ quan đại diện và kiều bào Việt Nam tại nhiều quốc gia, xoay quanh thuận lợi và khó khăn trong hoạt động gìn giữ tiếng Việt ở nước ngoài.

Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 2

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Đại biện Việt Nam tại Hungary Lê Trọng Hà cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở Hungary nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ và chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, phối hợp tổ chức nhiều hoạt động nhằm phổ biến Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt” đến cộng đồng người Việt Nam tại đây.

“Các thầy, cô giáo dạy tiếng Việt tại Hungary luôn mong muốn gìn giữ tiếng mẹ đẻ cho con em cộng đồng người Việt thế hệ thứ 2, thứ 3. Việc giảng dạy tiếng Việt nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ và tài trợ vật chất của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong cộng đồng”, ông Lê Trọng Hà cho hay.

Tuy vậy, theo Đại biện Việt Nam tại Hungary, việc giảng dạy tiếng Việt tại Hungary vẫn gặp không ít khó khăn, như thiếu kinh phí hoạt động, chưa có nhiều nguồn học liệu phù hợp, hình thức giảng dạy chưa đa dạng, nhiều người chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc dạy tiếng Việt cho con cái.

Trong những khó khăn về công tác giảng dạy tiếng Việt tại Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm, Chủ tịch Hội đồng Trường tiếng Việt Lạc Long Quân (Ba Lan) đề cập việc thiếu kinh phí và thời gian do các em chỉ học được vào cuối tuần; các gia đình chưa đánh giá đúng ý nghĩa của việc gìn giữ tiếng Việt trong thế hệ trẻ.

Khác với nhiều nước, việc dạy học tiếng Việt tại Lào có nhiều thuận lợi hơn do gần Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Ủy viên thường vụ, Chánh văn phòng Hội người Việt Nam tại Viêng Chăn (Lào) cho biết, các lớp học miễn phí đang giúp tiếng Việt phổ biến hơn tại Lào. Đối với người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, tiếng Việt không chỉ để xác định cội nguồn dân tộc, mà còn là ngôn ngữ thể hiện bản sắc văn hóa, càng xa quê hương càng thấy ý nghĩa vô cùng.

“Tiếng Việt như “sợi dây rốn”, nối liền và không tách rời những người con xa xứ với quê cha đất tổ, là tài sản tinh thần vô giá đáng tự hào”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền nhấn mạnh.

Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ảnh 4

Nhiều giải pháp được đề xuất trong Hội thảo.

Theo Chánh văn phòng Hội người Việt Nam tại Viêng Chăn (Lào), cộng đồng người Việt Nam tại Lào mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ để có thể triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chương trình dạy và học tiếng Việt, cũng như đề xuất Bộ giáo dục Lào đưa việc giảng dạy tiếng Việt vào các trường đại học tại Lào như một trong các ngoại ngữ chính.

Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka (Nhật Bản) Vũ Chi Mai nhận định, các cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần tăng cường phối hợp Bộ Ngoại giao và các cơ quan trong nước để đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, lan tỏa ý nghĩa của việc gìn giữ tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và tại Nhật Bản nói riêng.

Đề xuất giải pháp

Tại hội thảo, các đại biểu nhận định, năm 2023, các hoạt động triển khai Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận được sự hưởng ứng tích cực ở cả trong và ngoài nước, đa dạng về hình thức và nội dung, tạo sân chơi, môi trường giao lưu cho bà con kiều bào.

Tuy nhiên, do một số nguyên nhân khách quan, các hoạt động đã và đang triển khai còn hạn chế về quy mô, địa bàn, đối tượng tham dự, chưa thật sự đáp ứng tốt yêu cầu, mục đích đề ra.

Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Triệu Tài Vinh chia sẻ, người Việt Nam ở nước ngoài muốn học tốt tiếng Việt, trước hết cần ý thức được mình là người Việt Nam. Theo ông Triệu Tài Vinh, điều này thật sự quan trọng.

Để tăng cường hiệu quả công tác giảng dạy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề xuất một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh việc giảng dạy tiếng Việt cần nhận được sự ủng hộ của chính quyền, cơ quan sở tại để triển khai thuận lợi. Ngoài ra, cũng cần xã hội hóa và tìm được nòng cốt để phát triển hiệu quả.

Chia sẻ tại hội thảo, Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) Ngô Minh Hiển nêu bật những đóng góp hiệu quả của chương trình Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vốn đã trải qua chặng đường 50 năm phát sóng trên VOV và vẫn đang kiên trì mục tiêu giữ gìn và phát triển tiếng Việt.

Theo ông Ngô Minh Hiển, VOV luôn coi việc dạy tiếng Việt cho người nước ngoài sống ở Việt Nam và cho kiều bào ta ở nước ngoài là nhiệm vụ quan trọng, từ đó có các chương trình phục vụ công chúng.

Lãnh đạo VOV đề xuất tăng cường phối hợp Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác tuyên truyền, quảng bá tôn vinh tiếng Việt, nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Điểm lại những thành công của chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2023, ông Phạm Vĩnh Thái, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẳng định, trong năm 2024, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài nỗ lực nhân rộng mô hình Tủ sách tiếng Việt, cũng như đưa sách tiếng Việt vào hệ thống các thư viện công tại các quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng tổ chức nghiên cứu số hóa các tài liệu bổ trợ tiếng Việt, tiếp tục giới thiệu các đầu sách chất lượng cao đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Với kinh nghiệm hàng chục năm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, nguyên Trưởng khoa Việt Nam học và tiếng Việt, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá cao ý nghĩa của Ngày tôn vinh tiếng Việt, xem đây như thông điệp truyền cảm hứng không chỉ với bà con kiều bào mà còn với chính những người Việt Nam trong nước.

Theo PGS, TS Nguyễn Thiện Nam, ngày 8/9 sẽ trở thành một trong những sự kiện thường niên, giúp tạo niềm tin và trách nhiệm cho mỗi người Việt hay bất kỳ ai yêu tiếng Việt muốn gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt tại nước ngoài.

PGS, TS Nguyễn Thiện Nam mong muốn Chính phủ tiếp tục quan tâm, đầu tư hơn nữa cho sứ mệnh lan tỏa tiếng Việt, trong đó có đào tạo và nâng cao trình độ giáo viên giảng dạy, bổ sung nguồn học liệu phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng đưa ra một số một số giải pháp, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài năm 2024.

Theo ông Mai Phan Dũng, các giải pháp tập trung giải quyết thách thức ở các nhóm vấn đề cốt lõi, như tạo môi trường học tập hấp dẫn, phong phú về nội dung và hình thức; đa dạng hoá, đổi mới các giáo trình học tiếng Việt trên cơ sở tận dụng các nền tảng kỹ thuật số, ứng dụng công nghệ thông tin...; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên cả về phương pháp giảng dạy, kiến thức tiếng Việt và văn hoá, lịch sử Việt Nam; đồng thời tiếp tục duy trì tổ chức tập huấn trực tiếp tại địa bàn, cũng như tăng cường triển khai công tác tuyên truyền, tạo tác động tích cực, giúp lan tỏa tình yêu tiếng Việt, nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.