Giữ gìn, lan tỏa tiếng Việt ở nước ngoài

Nỗ lực miệt mài của hàng nghìn giáo viên không chuyên, tình nguyện viên kiều bào đã và đang góp phần gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên ở nước ngoài và cả những người nước ngoài yêu tiếng Việt.
0:00 / 0:00
0:00
Các thầy, cô và tình nguyện viên tham gia khóa tập huấn.
Các thầy, cô và tình nguyện viên tham gia khóa tập huấn.

Duy trì dạy tiếng Việt trong cộng đồng

Chị Nguyễn Thị Thu Huyền là một kiều bào đang sinh sống và làm ăn ổn định tại thủ đô Vientiane, Lào. Tuy nhiên, việc các con, vốn được cho theo học ở một trường quốc tế tại địa phương, rất ít nói tiếng Việt đã khiến chị phải trăn trở. Khi nhận thấy đây là vấn đề của không chỉ gia đình mình, chị Thu Huyền quyết định đứng ra mở lớp dạy tiếng Việt miễn phí cho con em kiều bào tại Lào. Dần dần, lớp học tiếng Việt miễn phí của chị có thêm cả con em người Lào đã từng đi học đại học, học nghề tại Việt Nam tham gia.

Sau hơn hai năm gián đoạn do dịch Covid-19, đến nay, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện của Đại sứ quán Việt Nam tại Lào, lớp học tiếng Việt của chị Nguyễn Thị Thu Huyền đã được mở trở lại. Cùng với việc xây dựng được một thư viện sách tiếng Việt miễn phí, lớp học càng thu hút được đông đảo học viên đăng ký. “Với cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là tại Lào, tiếng Việt là niềm tự hào dân tộc, là điểm tựa vững chắc cho văn hóa truyền thống. Thông qua tiếng Việt, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam được lan tỏa nhiều hơn đến với các thế hệ con em kiều bào cũng như nhân dân nước bạn, góp phần vào việc thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp giữa hai bên tiếp tục được duy trì lâu dài, bền vững”, chị Thu Huyền cho biết.

Nữ doanh nhân, đồng thời là một cử nhân Luật này là một trong hơn 60 học viên là những giáo viên không chuyên và tình nguyện viên người Việt Nam từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt năm 2023 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao phối hợp với Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại TP Hà Nội. Sau 10 năm triển khai, tính đến nay, các khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt đã thu hút sự tham dự của hơn 800 giáo viên kiều bào tham gia.

Trong thời gian hai tuần, từ ngày 16 đến 31/8/2023, các học viên sẽ tham gia 20 buổi tập huấn chuyên môn, tập trung chủ yếu vào phương pháp sư phạm, kiến thức văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam thông qua ngôn ngữ do các giảng viên, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và phương pháp sư phạm của Trường đại học Sư phạm Hà Nội và Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đứng lớp. Bên cạnh đó, các học viên cũng được tham gia một số hoạt động ngoại khóa như dự giờ, trao đổi kinh nghiệm thực tế dạy tiếng Việt tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm; tham quan, tìm hiểu các địa danh, di tích lịch sử ở Hà Nội…

Lan tỏa tiếng Việt tới người nước ngoài

Phát biểu ý kiến khai mạc khóa tập huấn, bà Lê Thị Thu Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN bày tỏ trân trọng việc các giáo viên kiều bào không chuyên thời gian qua đã nỗ lực duy trì việc dạy tiếng Việt, qua đó lưu giữ tiếng mẹ đẻ và các giá trị truyền thống văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài. Bà hy vọng rằng, qua khóa tập huấn, các thầy, cô sẽ được trang bị thêm các kỹ năng sư phạm, để cùng với ngọn lửa đam mê và tình yêu vốn có với nguồn cội và với tiếng Việt, tiếp tục sự nghiệp “gieo chữ” của mình khi trở về sở tại. Cùng với đó, các thầy, cô sẽ thiết lập được mạng lưới những người Việt Nam yêu tiếng Việt, dạy tiếng Việt ở các nơi trên thế giới. “Trách nhiệm, tình yêu quê hương và ngôn ngữ mẹ đẻ là động lực bền vững giúp duy trì sự nghiệp giảng dạy tiếng Việt, trao truyền các giá trị văn hóa trong cộng đồng ta ở nước ngoài”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.

Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt là một trong số những hoạt động gắn với công tác cộng đồng, đóng góp tích cực vào việc xây dựng, củng cố, phát triển các tổ chức và các hoạt động về tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Không chỉ vậy, những khóa tập huấn này còn góp phần thúc đẩy tình hữu nghị, giao lưu nhân dân, kinh doanh giữa Việt Nam với các nước. “Hiện nay, tại nơi tôi sinh sống, nhu cầu học tiếng Việt của con em kiều bào là khá lớn nhưng lượng người Thailand quan tâm tới tiếng Việt còn lớn hơn. Bởi, cộng đồng người Việt Nam ở đó có rất nhiều người làm ăn thành công, trở nên giàu có nên nhiều người Thailand muốn học tiếng Việt để thuận lợi cho việc giao lưu, hợp tác”, chị Đào Lê Quỳnh Phan, một người Thái gốc Việt, đang sinh sống tại một tỉnh phía đông bắc Thailand cho hay. Sau khóa tập huấn, khi trở về Thailand, chị sẽ tham gia lớp dạy tiếng Việt cho người Thailand do một trường đại học địa phương tổ chức.