Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã khẳng định: “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo, đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc...”.
Bài 1: Hiệu quả bước đầu
Những chuyên gia, trí thức Việt kiều đã và đang có những đóng góp rất thiết thực, từ việc chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam.
Họ cũng là cầu nối giúp tiếp xúc, vận động, kêu gọi và thu hút các nhà khoa học quốc tế có uy tín giao lưu, hợp tác với giới khoa học trong nước; đồng thời kêu gọi các nguồn lực giúp đỡ Việt Nam phát triển khoa học công nghệ.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 đến 12% trong cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Những chuyên gia, trí thức Việt kiều đã và đang có những đóng góp rất thiết thực, từ việc chuyển giao kiến thức, tiến bộ khoa học kỹ thuật đến tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà khoa học… góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ của Việt Nam.
Nhiều tín hiệu tích cực
Trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đã có nhiều trí thức người Việt làm việc ở các trung tâm nghiên cứu khoa học, các trường đại học hàng đầu, công ty sản xuất sản phẩm kỹ thuật và công nghệ cao, tổ chức khoa học quốc tế. Hầu hết các ngành và lĩnh vực mũi nhọn từ điện tử, sinh học, y học, vật liệu mới, năng lượng mới, tin học đến hàng không, vũ trụ, hải dương đều có chuyên gia người Việt Nam làm việc.
Theo Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, số lượng người có trình độ đại học trở lên chiếm khoảng 10 đến 12% trong cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài.
Giáo sư Trần Thanh Vân (Việt kiều tại Pháp) là một trong những trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu với những đóng góp cho quê hương, đất nước.
Ông là Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, về nước thành lập Quỹ Học bổng Odon Vallet hằng năm dành số lượng lớn học bổng tặng cho sinh viên, học sinh trung học xuất sắc và trẻ em ở các làng SOS trên khắp cả nước. Ông cũng đóng góp, kêu gọi tài trợ xây dựng Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) tại Quy Nhơn, Bình Định để ươm mầm, nuôi dưỡng thế hệ tài năng trẻ của Việt Nam trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên.
Thành công tại Canada, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ vẫn quyết định về nước thành lập Tập đoàn Mỹ Lan (tại tỉnh Trà Vinh), trở thành đơn vị công nghệ cao đầu tiên của khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã ứng dụng thành công nhiều sáng chế, đóng góp cho lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm người lao động tại địa phương.
Trí thức Việt kiều cũng đang đóng góp hiệu quả vào nhiều tổ chức, mô hình hợp tác như: Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu AVSE Global, Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (hình thành từ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tháng 8/2018) hay Mạng lưới người Việt có tầm ảnh hưởng (hình thành từ Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng do Bộ Ngoại giao và AVSE Global đồng chủ trì tháng 4/2019).
Đáng chú ý, sự kết nối tạo ra các cơ chế làm việc, hợp tác ngày càng linh hoạt cho các chuyên gia trong và ngoài nước khi tham gia các dự án, chương trình trong chiến lược phát triển của Việt Nam.
Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) cho biết, thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 đến 500 lượt người/năm.
Đáng mừng là trí thức kiều bào ngày càng tham gia trực tiếp và sâu rộng vào các quá trình hợp tác, đồng hành tích cực với Chính phủ nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp; giải quyết những vấn đề “nóng”, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, các vấn đề về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư... Hiện nay, nhiều chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài đang cộng tác, cố vấn, tư vấn cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Khá nhiều trí thức, chuyên gia kiều bào quay về làm việc tại các tập đoàn, công ty tư nhân trong nước...
Thời gian gần đây, số chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia hoạt động khoa học và công nghệ ở Việt Nam duy trì ở mức khoảng 300 đến 500 lượt người/năm.
Ông Phạm Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế, khoa học và công nghệ (Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài)
Trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có những đóng góp hết sức thực chất và hiệu quả trên hai lĩnh vực tài lực và trí lực. Về tài lực, số lượng doanh nghiệp kiều bào đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam ngày càng nhiều.
Tính đến cuối năm 2020, kiều bào đã đầu tư hơn 360 dự án với tổng số vốn 1,6 tỷ USD. Về trí lực, đó là lực lượng trí thức, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên về nước cộng tác với các viện nghiên cứu, trường đại học, các bộ, ngành, địa phương để hiến kế cũng như đóng góp cho sự phát triển nền khoa học công nghệ Việt Nam.
Đáng chú ý, những địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống và học tập, đều đã hình thành những mạng lưới cũng như câu lạc bộ trí thức người Việt ở nước ngoài và gắn bó hết sức chặt chẽ với trong nước, như: Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) có trụ sở tại Pháp, quy tụ hơn 200 thành viên; hay nhóm sáng kiến Việt Nam ở Mỹ, các mạng lưới diễn đàn tri thức khoa học công nghệ của người Việt tại Nhật Bản, Hà Lan, Phần Lan, Đức, Ba Lan, Mỹ.
Vẫn còn những bất cập
Theo ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, hiện nay, tại nhiều quốc gia phát triển đã hình thành các mạng lưới, câu lạc bộ trí thức, chuyên gia người Việt Nam, có kết nối chặt chẽ với các cơ sở khoa học công nghệ trong nước.
Những chuyên gia, trí thức, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia các hoạt động khoa học và công nghệ, triển khai dự án hợp tác trong giảng dạy, đào tạo nhân lực, nghiên cứu phát triển (R&D), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Kết quả đó cho thấy các cơ chế, chính sách ngày càng hoàn thiện đã và đang tạo ra những chuyển biến rõ rệt trong việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc.
Tuy nhiên, việc thu hút chưa thật sự tạo được bước đột phá cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Các chuyên gia chủ yếu tham gia các hoạt động ngắn ngày; số người về làm việc lâu dài không nhiều; chưa có công trình, đề tài, phát minh có khả năng làm thay đổi căn bản ngành, lĩnh vực khoa học và công nghệ mà họ tham gia. Những điểm sáng về chính sách vĩ mô vẫn khó được thực thi hiệu quả khi đi vào thực tế, số chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài thực sự được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi trong nước chưa nhiều...
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút lực lượng trí thức kiều bào, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.
Chính sách đưa ra nhiều nhưng chưa đủ mạnh để khuyến khích các nhà khoa học, trí thức Việt Nam về nước, đóng góp nhiều hơn, như liên quan đến đãi ngộ đối với gia đình các nhà khoa học còn nhiều hạn chế; môi trường nghiên cứu, học thuật chưa được thuận lợi, chưa chuyên nghiệp.
Do đó, Giáo sư Nguyễn Văn Phước đề xuất cần đánh giá đầy đủ tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích họ đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Cần đánh giá đầy đủ tiềm lực, cũng như vị trí, vai trò của các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài để có thể đưa ra những cơ chế chính sách cụ thể, khuyến khích họ đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Giáo sư Nguyễn Văn Phước
Đồng quan điểm trên, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ, Đại học Năng lượng Quốc gia Moskva, Liên bang Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT đánh giá, thu hút trí thức kiều bào đóng góp cho hợp tác phát triển khoa học công nghệ thời gian qua còn cho thấy một số khó khăn, thiếu sót chủ quan trong tổ chức triển khai thực hiện.
Đó là, thiếu cơ chế chính sách cụ thể để trí thức kiều bào có thể tham gia triển khai các dự án khoa học công nghệ; thiếu bộ máy tổ chức triển khai hiệu quả tại chỗ để thu hút sự tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án, nhiệm vụ khoa học công nghệ tại các địa phương, trong các cơ quan nghiên cứu, trường đại học, trung tâm nghiên cứu và phòng thí nghiệm; thiếu kinh phí đầu tư, điều kiện sinh hoạt và làm việc, trang thiết bị và mô hình tổ chức quản lý hiệu quả cho triển khai các hoạt động khoa học công nghệ của trí thức kiều bào, dẫn tới những khó khăn không đáng có mà cá nhân trí thức kiều bào rất khó vượt qua trong các điều kiện khác biệt tại Việt Nam.
Trong triển khai nhiều dự án khoa học công nghệ, chúng ta còn lúng túng, nhiều khi thiếu sự chuẩn bị chu đáo, chưa xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và mức độ tham gia của trí thức kiều bào trong các dự án này. Nhiều nhiệm vụ khoa học công nghệ mang tính hình thức, hàn lâm, ít thực tiễn, tính ứng dụng thấp, khó thu hút sự tham gia đóng góp của trí thức kiều bào.
Một số nguyên nhân khách quan ảnh hưởng đến việc phát huy nguồn lực trí thức kiều bào là số lượng trí thức kiều bào tuy đông nhưng phân bố trên khắp các quốc gia, châu lục và vùng lãnh thổ khác nhau, rất khó tập hợp. Trí thức kiều bào không tập trung trong một hoặc một vài chuyên ngành khoa học mà hoạt động trong nhiều lĩnh vực gây khó khăn cho sử dụng lực lượng trí thức kiều bào trong các chuyên ngành hẹp, các dự án cụ thể. Trí thức kiều bào thường làm việc trong nhiều hệ thống khoa học, tổ chức quản lý, mô hình hoạt động và văn hóa khác nhau, thậm chí khác với tại Việt Nam, gây khó khăn không nhỏ khi về nước làm việc…
(Còn nữa)