Nhà văn Kiều Bích Hương

Nỗ lực để duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài

Là thành viên sáng lập Kênh Việt happiness station-Trạm hạnh phúc-Chạm cảm xúc, có trụ sở tại Bỉ, phát sóng từ tháng 5/2021. Xa hơn, trước đó, nhà văn, nhà báo Kiều Bích Hương là người luôn chú tâm góp nhặt, lý giải và chia sẻ về những trải nghiệm trong hành trình hội nhập và thích ứng với đời sống, văn hóa khu vực Tây Âu qua những tác phẩm của mình. Luôn hướng đến những giá trị đóng góp cho cộng đồng, nhất là cộng đồng người Việt, Kiều Bích Hương chia sẻ với chúng tôi rằng, trên hành trình đầy cảm xúc ấy, chị đã gặt hái được rất nhiều điều thú vị.
0:00 / 0:00
0:00
Gian giới thiệu sản phẩm của Kênh Việt tại Ngày hội gia đình Việt 2022 ở Brussels. Ảnh: NVCC
Gian giới thiệu sản phẩm của Kênh Việt tại Ngày hội gia đình Việt 2022 ở Brussels. Ảnh: NVCC
Nỗ lực để duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài ảnh 1

Nhà văn Kiều Bích Hương trả lời phỏng vấn của Đài ttruyền hình Việt Nam tại sự kiện khai trương Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt tại Ostende (Bỉ). Ảnh:NVCC

Hạnh phúc đến theo cách mình mong muốn

- Chị sang Bỉ từ năm 2009, vừa phải làm quen với một môi trường mới, sinh con, viết văn, cộng tác với một số tờ báo trong nước và học thêm nghề thủ thư. Từng đó công việc chưa đủ lấp kín quỹ thời gian hay sao? Chị nghĩ đến ý tưởng và khởi xướng việc làm Kênh Việt trong bối cảnh như thế nào?

- Thiền sư Osho từng nói "Đừng để khi cuộc sống đến gõ cửa thì bạn lại không bao giờ có mặt như thể bạn đang ẩn tránh đâu đó trong chính cuộc đời mình".

Lời nhắc nhở về sự vắng mặt ấy thật đắt giá. Ngẫm lại, bằng cách này hay cách khác, trong khoảng 14 năm định cư ở Bỉ tới nay, quả thật tôi cũng ẩn tránh nhiều: ít xuất hiện trong những sự kiện ồn ào, đông đúc. Nhưng tôi không vắng mặt ở những thời điểm cần phải xuất hiện: tham gia một lớp học nghề thư viện để củng cố bộ lọc thông tin, suy nghĩ ứ đầy thì ngồi vào bàn viết, tạm gấp lại cuốn sách hay đang đọc hoặc bộ phim hay muốn xem để đầu tư thời gian vào con cái... Những công việc trong quỹ thời gian tương đương mọi người ấy, tôi gọi là sự sắp xếp để có mặt trong cuộc đời mình.

Hiểu theo cách đó, Kênh Việt happiness station xuất hiện trong cuộc sống của tôi từ ngày 1/5/2021 khi những người đồng hành gõ cửa bày tỏ mong muốn cùng thực hiện dự án "được nói tiếng Việt là một hạnh phúc", đồng hương ở đây tìm cách "gặp được nhau, chia sẻ cùng nhau" trong đại dịch Covid-19... Một kênh podcast, video và thông tin cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài ra đời trong bối cảnh như vậy. Và sau hai năm phát sóng, chúng tôi vẫn tiếp tục xây dựng nội dung các chuyên mục phong phú về trải nghiệm, đa dạng về giọng đọc, mang lại nhiều giá trị thiết thực cho đời sống người xa xứ.

- Ở thời điểm đó, sự đón nhận của khán giả và những cộng tác viên hợp sức với chị như thế nào?

- Khán giả, thính giả ủng hộ rất nhiệt tình thông qua lượng nghe-xem trên fanpage, trên YouTube, qua cả tin nhắn gửi về. Tôi nghĩ đó là cảm giác đón chờ cái mới. Chính đội ngũ làm kênh cũng bất ngờ và cảm động. Trong thời gian ngắn đã xây dựng được cộng tác viên và các giọng đọc ở rải rác hơn 30 nước, công sức tâm huyết huy động đều dựa trên tinh thần tình nguyện.

Nhưng khó khăn cũng xuất hiện. Đây không phải là kênh cá nhân mà là kênh cho cộng đồng, thời gian và không gian làm việc chủ yếu online, chỉ có thể tranh thủ giờ nghỉ, một số cộng tác viên sau khi đồng ý cộng tác thì lại ngại ngần thiếu tự tin khi phải thu âm hoặc trực tiếp tham gia chia sẻ về cuộc sống, kinh nghiệm cá nhân...

Nói như vậy để thấy rằng sau vài tháng phát sóng, chúng tôi cũng bước vào quãng thời gian lúng túng trong duy trì và xây dựng nội dung, làm sao để hình thành kênh cho cộng đồng nhưng vẫn có mầu sắc riêng, tiếng nói riêng và giá trị riêng? Kể chuyện về đời sống ở nước ngoài, chia sẻ thông tin cho người Việt ở nước ngoài một cách chuyên sâu hơn, sâu sắc và tinh tế hơn thông qua các chuyên mục "Chuyện mình xứ người", "Thưởng thức tinh hoa Việt", "Ngỡ như mới hôm qua", "Ối giời ơi", "Nghe và Ngẫm"... là con đường chúng tôi đã tìm ra và tiếp tục bồi đắp. Công phu đầu tư phần dẫn chuyện trước khi vào nghe/xem các podcast để tiếng Việt được tập trung vang lên một cách đầy cảm xúc. Xây dựng các cuộc thi, dự án dành cho trẻ em, thanh thiếu niên người Việt/gốc Việt ở nước ngoài như "Nói món Việt cùng con", "Du lịch cùng con", "Podcast của tôi - Chuyện của tôi"... để bồi đắp tiếng Việt và kết nối tình yêu gia đình, quê hương.

- Từ những chương trình khởi đầu, Kênh Việt đã dần nâng chất và mở rộng ra nhiều phương thức, với mỗi sự thay đổi đó, chị có thể chia sẻ những điều tâm huyết và ấn tượng nhất?

- Mong ước của tôi là tạo dựng được một diễn đàn để mọi người có thể kể những câu chuyện và cảm xúc đời thường, chia sẻ kinh nghiệm làm việc và hòa nhập cộng đồng, tìm cách thức phù hợp nhất cũng như bớt tổn thương nhất để sống được trong môi trường mới.

Sau 5 năm ngăn cách vì Covid-19, hè năm nay, cháu Moneyn Lynh Mai 15 tuổi, có mẹ người Việt, bố người Bỉ, được cùng gia đình về thăm quê và kết hợp nhận giải nhì cuộc thi "Du lịch cùng con" là một phiếu du lịch trị giá 300 EUR (tương đương 7,5 triệu VND). Mẹ cháu thông tin cho tôi là cháu muốn giành phần thưởng này cùng ông bà khám phá vẻ đẹp quê hương đất nước Việt Nam. Sau khi Vũ Đức Lương (17 tuổi, Nhật Bản) thu âm câu chuyện của mình để tham gia dự án "Podcast của tôi-Chuyện của tôi" do Kênh Việt happiness station tổ chức, chị Hằng - mẹ của Lương chia sẻ: "Từ hôm ấy em thấy tinh thần và thái độ của con khác hơn chị ạ. Con đáng yêu hơn, sống có trách nhiệm hơn và con còn đang muốn về Việt Nam học đại học".

Ngày cuối tuần nọ, một đồng hương ở thành phố Ostende của Bỉ gửi cho tôi bức ảnh chị ngồi uống cà-phê Việt Nam trong quán Phở Sure, trên bàn là cuốn tiểu thuyết tiếng Việt đang đọc dở. Chị nhắn: "Cảm ơn Kênh Việt đã mở Tủ sách Việt trong nhà hàng Việt ở nước ngoài để mình có một ngày cuối tuần thật sự tuyệt vời như thế này!". Vậy đấy, khi các sản phẩm của kênh đi đúng đường như vậy thì cảm giác hạnh phúc cũng đến theo cách mình mong muốn một cách tự nhiên nhất.

Thử thách cũng là động lực

- Được biết, chị vừa được mời tham gia Ban điều hành "Diễn đàn Gìn giữ Tiếng Việt ở nước ngoài", Kênh Việt happiness station cũng vừa có tên trong danh sách năm thí sinh xuất sắc đạt danh hiệu Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023 của cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023" do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với một số đơn vị tổ chức. Chị đón nhận những thành quả đáng tự hào đó trong tâm trạng như thế nào? Đây có phải là những bậc thang để chị tiếp tục mở rộng và nâng chất cho Kênh Việt?

- Những thành quả này rất có ý nghĩa với một kênh thông tin non trẻ bởi nó khẳng định điều mình đang làm là đúng, con đường mình đi không còn âm thầm, đơn độc nữa.

Trong phần hùng biện tại vòng chung kết cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023", Kênh Việt happiness station tập trung vào nội dung tiếng Việt hiện đại đang thử thách người xa xứ như thế nào và cần phải làm gì để tiếng Việt không chỉ được dạy trực tiếp trong trường lớp, mà còn phải được nuôi dưỡng hằng ngày thông qua việc tạo ra các hoạt động thiết thực để người Việt/gốc Việt, đặc biệt người Việt trẻ sinh ra và lớn lên ở nước ngoài có cơ hội thực hành tiếng mẹ đẻ, được hiểu hơn tiếng Việt từ chính những sinh hoạt đời thường, để từ tiếng Việt mở ra các cơ hội phát triển trong tương lai. Thử thách này cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng cho kênh.

- Nhìn lại hành trình đã qua, so với ý tưởng ban đầu, chị thấy mình đã làm được điều ấp ủ? Và còn dự định gì cho đứa con tinh thần rất giàu tinh thần Việt này?

- Thực tế hướng phát triển của kênh thông qua các cuộc thi, các dự án, đang đi xa hơn so ý tưởng của chúng tôi lúc khởi đầu. Nhưng nó không đi xa mục tiêu của chúng tôi ngay từ đầu, là thông qua các sản phẩm truyền thông tạo nhiều giá trị cho cộng đồng nhất có thể. Và cộng đồng, bằng cách này hay cách khác, cũng bày tỏ cảm xúc, tiếp thêm nhiều giá trị tinh thần cho chúng tôi tiếp tục thực hiện sứ mệnh đặc biệt này.

Làm sao để duy trì văn hóa cũng như tiếng Việt ở nước ngoài tiếp tục nằm trong dự định của chúng tôi trong các năm tiếp theo, nhưng chắc chắn phải cập nhật và thay đổi để phù hợp nhu cầu cộng đồng người nghe cũng như của chính những người sản xuất podcast.

- Bận rộn như vậy, chị có còn thời gian sáng tác văn học?

- Sau ba cuốn sách phi hư cấu viết về sự khác biệt văn hóa Đông-Tây, từ mùa xuân năm 2022, một biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng nói với tôi rằng "Cuộc sống đang nhiều náo động quá, người ta lại quay về trú ngụ vào sách. Cậu hãy viết cái gì đó cho gia đình đi". Thuyết phục thế thì quá giỏi rồi còn gì. Nhưng đây là đề tài khó. Con trai tôi vẫn ra đề bài rằng "đọc không hài nghĩa là không hay" khi tôi nhắc con nên đọc sách thường xuyên. Coi như tôi chấp nhận thử thách ấy, đồng thời muốn lưu giữ lại ấu thơ cho con và sống lại tuổi thơ của chính mình, làm tròn đầy thêm ý nghĩa của một gia đình mình đang tự nguyện nuôi dưỡng. Sau một năm viết và chỉnh sửa, dự kiến bộ truyện cho thiếu nhi mang tên "Mật hiệu OGO" gồm sáu tập nhỏ xinh vừa được NXB Kim Đồng phát hành vào đầu năm học mới 2023 này.

Nỗ lực để duy trì tiếng Việt, văn hóa Việt ở nước ngoài ảnh 2

- Xin cảm ơn những chia sẻ của chị, và xin được chúc mừng thành quả của những sứ giả nhiệt huyết của tiếng Việt!

Nhà văn, nhà báo Kiều Bích Hương định cư tại Bỉ. Hiện chị vẫn cộng tác với nhiều tờ báo uy tín trong nước. Tác phẩm tiêu biểu: Vợ Ðông chồng Tây, Ðàn bà yêu thành phố (NXB Trẻ); Ðây đất nước con, kia Tổ quốc mẹ (NXB Phụ nữ); Giải ba cuộc thi truyện ngắn "Người lao động hôm nay" do Báo Người Lao Động tổ chức năm 2019; Bộ truyện Mật hiệu OGO (tháng 9/2023- NXB Kim Đồng).