Với ý nghĩa tôn vinh áo dài Việt, tôn vinh thổ cẩm Tây Nguyên, 40 hội viên phụ nữ đến từ 17 huyện, thị xã, thành phố và Hội Phụ nữ các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có phần trình diễn áo dài truyền thống và áo dài có kết hợp với thổ cẩm, tôn vinh vẻ đẹp, hình tượng người phụ nữ Việt gắn với bản sắc của các dân tộc Tây Nguyên.
Ngay sau đó là màn đồng diễn của 340 hội viên phụ nữ của thành phố Pleiku và huyện Chư Sê trong tà áo dài truyền thống, nhiều sắc màu, trên nền nhạc 2 ca khúc “Hãy đến với con người Việt Nam tôi” và “Xinh tươi Việt Nam”.
Ban Tổ chức đã bình chọn và trao 3 danh hiệu: Hội viên trình diễn áo dài truyền thống đẹp nhất cho chị Trương Thị Kim Nhung (huyện Kông Chro); trang phục áo dài thổ cẩm đặc sắc nhất cho chị Đinh Thị Oai (dân tộc Bahnar, huyện Kbang), hội viên có phong cách trình diễn ấn tượng nhất cho chị Nguyễn Thị Phương Thúy (Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai).
Phong phú đa sắc màu của phụ nữ Gia Lai trong “Áo dài Việt-hương sắc Tây Nguyên”. |
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Gia Lai, Rơ Chăm H’Hồng, sự kiện thêm một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của áo dài Việt Nam trong đời sống đương đại.
Đồng thời, khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ áo dài-di sản văn hóa Việt Nam nói chung và giá trị văn hóa truyền thống thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng trong cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
“Phụ nữ Gia Lai sẽ cùng với phụ nữ cả nước gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc qua hình ảnh chiếc áo dài, đồng thời phát huy khả năng sáng tạo để vừa tôn vinh trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt Nam; vừa tôn vinh sắc màu thổ cẩm - nét đặc trưng của các dân tộc Tây Nguyên”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Gia Lai Rơ Chăm H’Hồng cho biết thêm.