Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2024 của Nghệ An đạt được những kết quả khá tích cực.
Trên lĩnh vực kinh tế, có nhiều điểm sáng, khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong quý III cao hơn quý I và quý II. Ước tính, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đạt khoảng 7,5-8%, cao hơn cùng kỳ năm 2023 và cao hơn quý I và quý II; riêng quý III ước đạt khoảng 8,5%.
Trong đó, khu vực nông nghiệp ước tăng 4-4,2%, khu vực công nghiệp-xây dựng tăng 12,5-13,5%, khu vực dịch vụ tăng 5,8-6,2%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,7-7,2%.
Thăm dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. |
Tình hình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp cơ bản ổn định. Đến tháng 9, toàn tỉnh có 320/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 101 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; chín đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng, ước tăng 10,64% cùng kỳ năm 2023; riêng tháng 9/2024 ước tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng linh kiện điện tử tăng mạnh do các dự án sản xuất linh kiện điện tử trên địa bàn tỉnh ổn định sản xuất, một số dự án mới đi vào hoạt động bắt đầu sản xuất sản phẩm ra thị trường.
Bắc Trung Bộ nỗ lực thu hút dòng vốn FDI
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đều tăng hơn 20%. Lượng khách du lịch đạt 8,43 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023, doanh thu ước đạt 10.217 tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 84,58% kế hoạch.
Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 1.690 triệu USD, tăng 73,51% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 112,67% kế hoạch.
Nhiều công ty may xuất khẩu ở Nghệ An đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu đến năm 2025. |
Ngành ngân hàng Nghệ An dẫn đầu về hoạt động trong khu vực Bắc Trung Bộ với kết quả đến 30/9, nguồn vốn huy động ước đạt 256.856 tỷ đồng, tăng 10,55% so với đầu năm. Tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 316.849 tỷ đồng, tăng 7,1% so với đầu năm và tăng 5% so cùng kỳ năm 2023.
Nghệ An tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 16.671 tỷ đồng, đạt 104,8% dự toán, bằng 143,2% cùng kỳ năm 2023. Có 16/21 địa phương hoàn thành vượt thu. Phần đấu hết năm 2024, thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 23.000 tỷ đồng.
Hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả tích cực. Tính đến ngày 23/9, toàn tỉnh đã cấp mới cho 58 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 18.739 tỷ đồng; điều chỉnh tổng vốn đầu tư 30 lượt dự án với tổng vốn đầu tư tăng hơn 16.802 tỷ đồng. Tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh hơn 35.541 tỷ đồng, bằng 85,02% cùng kỳ năm 2023. Thu hút đầu tư dù không bằng năm 2023 nhưng tích cực, trong đó thu hút FDI đạt hơn 730 triệu USD và phấn đấu đến hết năm 2024 đạt một tỷ USD.
Sản xuất thiết bị điện tử của Công ty Luxshare ICT tại Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. |
Toàn tỉnh có 1.533 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2023 với tổng số vốn đăng ký thành lập 17.306 tỷ đồng, tăng 29,69%; 625 doanh nghiệp hoạt động trở lại, bằng 84,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giải ngân vốn đầu tư công đạt khá.
Đến ngày 20/9, tổng đầu tư công đã giải ngân 5.022 tỷ đồng, đạt 54,14%; trong đó, vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 2.322 tỷ đồng, đạt 48,09%.
Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, chất lượng giáo dục toàn diện tiếp tục khẳng định vị trí tốp đầu cả nước; xếp thứ tư toàn quốc về số lượng học sinh giỏi quốc gia; xếp vị thứ 12 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng 10 bậc so với năm 2023.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số được tập trung chỉ đạo và có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đều tăng bậc. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại giảm, số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ năm 2023. Công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến tích cực song vẫn còn những tồn tại, hạn chế chưa được khắc phục.
Công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng đã được các địa phương quyết liệt triển khai, nhưng nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn, một số vướng mắc còn kéo dài.