Bắc Trung Bộ nỗ lực thu hút dòng vốn FDI

Từ những vùng đất khó, “vùng trũng” trong thu hút đầu tư, thời gian qua, được sự quan tâm của Trung ương, nỗ lực vượt bậc của cấp ủy, chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, các tỉnh Bắc Trung Bộ bước đầu đã thành công trong việc “lót ổ” đón “đại bàng” đến đầu tư, nhất là các dự án mang tính động lực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh Thành Cường)
Một góc Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. (Ảnh Thành Cường)

Để nắm bắt thời cơ vàng trong thu hút đầu tư FDI, sớm trở thành cực tăng trưởng mới, các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, nhanh chóng khắc phục các điểm nghẽn, tiếp tục chuẩn bị các bước sẵn sàng đón nhà đầu tư và cùng liên kết để phát triển nhằm sớm đưa nghị quyết của Bộ Chính trị đối với các tỉnh Bắc Trung Bộ, các nghị quyết đại hội đảng bộ các tỉnh đi vào cuộc sống một cách sâu sắc, hiệu quả.

Bài 1: Thu hút thành công dự án FDI động lực

Thời gian qua, hai tỉnh Thanh Hóa và Hà Tĩnh đã thành công trong thu hút đầu tư các dự án động lực. Thanh Hóa có dự án động lực Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Hà Tĩnh có dự án luyện cán thép lớn nhất Đông Nam Á. Hai dự án động lực cùng các dự án FDI phụ trợ khác không chỉ tạo hạt nhân tăng trưởng cho địa phương mà còn góp phần bảo đảm an ninh năng lượng và sắt thép cho quốc gia.

Các dự án FDI trên địa bàn Thanh Hóa và Hà Tĩnh có tổng mức đầu tư hơn 30 tỷ USD, đã giúp các địa phương này tạo bước phát triển về chất trong thu hút đầu tư FDI, tạo bước đột phá về phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách…; tạo sự lan tỏa cho cả khu vực.

Thanh Hóa phấn đấu thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 155 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư 14,6 tỷ USD, xếp thứ 8 cả nước về thu hút FDI; trong đó tại Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có 75 dự án FDI với số vốn đăng ký đầu tư 13,677 tỷ USD, thực hiện đạt 13,2 tỷ USD. Phó Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, Bùi Tuấn Tự cho biết: Khu kinh tế Nghi Sơn đã trở thành trung tâm công nghiệp nặng, năng lượng, chế biến không chỉ của tỉnh Thanh Hóa.

Tại đây, hiện có 25 dự án đầu tư FDI đã và đang đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 12,7 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 30 nghìn lao động. Trong số này, nổi bật nhất là Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng mức đầu tư 9 tỷ USD, công suất chế biến 10 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 35% nhu cầu xăng dầu trong nước. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã sản xuất 37 triệu tấn xăng dầu và các sản phẩm khác, nộp ngân sách hơn 85 nghìn tỷ đồng, trong đó, hơn 60 nghìn tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu. Kế đến, Trung tâm Nhiệt điện Nghi Sơn công suất 1.800 MW, trong đó, Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1.200 MW với số vốn liên doanh nước ngoài gần 2,8 tỷ USD…

Để thu hút đầu tư, tỉnh Thanh Hóa đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung giải phóng mặt bằng sạch, bàn giao cho các nhà đầu tư. Nhờ đó, các dự án FDI có vốn đầu tư lớn luôn bảo đảm tiến độ xây lắp, sớm đưa các nhà máy đi vào vận hành thương mại; qua đó, góp phần tạo bước đột phá về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách cho địa phương.

Năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước ở Thanh Hóa đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Riêng mặt hàng dầu thô đóng góp 17 nghìn tỷ đồng trong tổng thu gần 20 nghìn tỷ đồng thuế xuất, nhập khẩu. 11 tháng năm 2023, thu ngân sách từ dầu thô chiếm gần 80% tổng thu thuế xuất, nhập khẩu của tỉnh Thanh Hóa.

Giám đốc chi nhánh Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Thanh Hóa Đỗ Đình Hiệu cho biết: Với lợi thế cảng nước sâu quốc tế Nghi Sơn cùng với chính sách đồng hành của tỉnh và hạ tầng kỹ thuật ngày một hoàn thiện đồng bộ, hiện đại cho nên nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư vào Thanh Hóa, đặc biệt là dự án động lực Lọc hóa dầu Nghi Sơn hoạt động hiệu quả, đã tạo sức hút, từng bước kéo theo các ngành công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước.

Sau khi đầu tư vào Thanh Hóa, nhiều nhà đầu tư FDI mở rộng quy mô, cơ sở sản xuất hay mời gọi thêm các nhà đầu tư khác đến với Thanh Hóa. Tập đoàn Hoa Lợi (Đài Loan-Trung Quốc) là một thí dụ. Giai đoạn đầu, doanh nghiệp mới chỉ đầu tư 14 triệu USD để xây dựng, vận hành một nhà máy may công nghiệp ở thành phố Thanh Hóa, đến nay, Tập đoàn này đã đầu tư, đưa vào hoạt động nhiều nhà máy may ở các huyện trong tỉnh Thanh Hóa, nâng tổng mức đầu tư lên gần 900 triệu USD.

Hay như Công ty TCE Corporation sau khi đưa Nhà máy sản xuất dệt nhuộm vải Denim tại thành phố Nam Định vào hoạt động, doanh nghiệp đã quyết định đầu tư thêm dự án Nhà máy may, giặt mài TCE JEANS với 13 triệu sản phẩm/năm tại Hoằng Hóa (Thanh Hóa) để sử dụng vải sản xuất tại nhà máy ở tỉnh Nam Định, góp phần tăng doanh thu và mở rộng thị phần đầu tư tại Việt Nam. Hiện nhà máy đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho 3.000 lao động, chủ yếu là người địa phương, doanh thu năm 2023 ước đạt 1.200 tỷ đồng.

Giám đốc điều hành Công ty Nguyễn Đức Hùng cho biết: Doanh nghiệp được chính quyền các cấp tỉnh Thanh Hóa quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi giải quyết các thủ tục đầu tư, tiếp nhận tài sản chuyển nhượng từ doanh nghiệp trong nước, thuê đất, và trong cả quá trình đi vào sản xuất, kinh doanh. Doanh nghiệp nhận thấy môi trường đầu tư tại tỉnh Thanh Hóa thuận lợi, các thủ tục hành chính giải quyết nhanh chóng, tiếng nói của doanh nghiệp được lắng nghe và giải quyết có hiệu quả. Công ty kiên định đường lối phát triển doanh nghiệp theo hướng “xanh, sạch, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững”.

Đi đôi với thu hút, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho các dự án công nghiệp lọc hóa dầu, điện, xi-măng, thép, phát triển công nghiệp nhẹ như may mặc, da giày sớm hoàn thành xây lắp, đi vào hoạt động, gần đây Thanh Hóa thu hút một số doanh nghiệp FDI đầu tư sản xuất dây cáp điện ô-tô tại các huyện Hà Trung, Thạch Thành; sản xuất bóng đèn lét ở huyện Triệu Sơn... Các nhà đầu tư FDI thực hiện đúng cam kết, bảo đảm tiến độ đầu tư xây lắp, sớm đưa dự án vào hoạt động. Theo đánh giá của các chuyên gia: Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn cùng các dự án đầu tư vào khu vực này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hiện thực hóa phương hướng đến năm 2030 Thanh Hóa trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Hạt nhân tăng trưởng của Hà Tĩnh

Điểm lại những dấu ấn về thu hút đầu tư thời gian qua ở Hà Tĩnh không thể không nhắc đến điểm nhấn đột phá vào năm 2008 khi Hà Tĩnh mời gọi Tập đoàn Formosa đầu tư dự án FDI lớn nhất Việt Nam tại Khu kinh tế Vũng Áng. Sau hai năm cả hệ thống chính trị dồn sức giải phóng mặt bằng, di dời hơn 4.500 hộ dân, bàn giao hơn 3.000 ha cho nhà đầu tư.

Năm 2010, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) chính thức được khởi công với số vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 12,8 tỷ USD. Nhà máy liên hợp gang thép công suất 7,5 triệu tấn/năm và cảng Sơn Dương đi vào hoạt động ổn định đã đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho gần 6.000 lao động với thu nhập ổn định. Hằng năm, Công ty FHS đã cung cấp hàng triệu tấn sắt thép chất lượng cao phục vụ sản xuất, xây dựng trong nước và xuất khẩu; đáp ứng phần lớn nhu cầu sắt thép trong nước.

Theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, Phan Thành Biển, điều dễ dàng nhận thấy trên biểu đồ tăng trưởng về tốc độ tăng trưởng và nền kinh tế Hà Tĩnh trong những năm gần đây, đó là vai trò quan trọng của dự án đầu tư Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh.

Cụ thể, tỷ trọng của Công ty FHS trong quy mô GRDP Hà Tĩnh từ năm 2017 chiếm 7,36% và đến năm 2021 là 21,72%; đóng góp điểm phần trăm của Công ty FHS vào tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh ở mức khá cao, năm 2017 tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh là 9,9% thì đóng góp điểm phần trăm của Công ty FHS là 6,67%, năm 2021 GRDP Hà Tĩnh ước tăng 6,92% thì đóng góp điểm phần trăm của Công ty FHS là 4,57%.

Nếu tính riêng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2018-2023 của Hà Tĩnh đạt gần 9 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 51%/năm, trong đó năm 2023 ước đạt 2,4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, thì xuất khẩu thép của Công ty FHS qua cảng Sơn Dương chiếm 96% tổng kim ngạch. “Có thể khẳng định, dự án trọng điểm này đã tạo động lực mới để Khu kinh tế Vũng Áng đánh thức những lợi thế đặc biệt về cảng biển, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, từng bước hình thành trung tâm công nghiệp luyện thép, công nghiệp hỗ trợ, nhiệt điện và cảng biển nước sâu của khu vực miền trung cũng như cả nước”, ông Phan Thành Biển nhấn mạnh.

Với tinh thần cầu thị và nỗ lực kiến tạo môi trường thu hút đầu tư, thông thoáng của các thế hệ lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, địa phương này đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài. Minh chứng cho nỗ lực, là việc địa phương chủ động tiếp cận, liên hệ, đàm phán với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có công nghệ cao nhằm vận động, kêu gọi, xúc tiến đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào địa bàn tỉnh; xác định danh mục các dự án trọng điểm để chỉ đạo Nhóm giúp việc Tổ công tác hỗ trợ thủ tục hành chính trong quá trình khảo sát, cấp phép, thực hiện dự án đầu tư mà tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện trong thời gian qua.

Ông Hoàng Trọng Bính, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 cho biết, bên cạnh quyết tâm, ưu tiên nguồn vốn đẩy nhanh tiến độ dự án của doanh nghiệp, thì sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương là tiền đề, động lực giúp doanh nghiệp vững tin nỗ lực đưa nhà máy phát điện công suất 1.330 MW vào vận hành thương mại trong quý III năm 2025. Công ty TNHH Nhiệt điện Vũng Áng 2 là dự án FDI có số vốn đầu tư 2,2 tỷ USD.

Theo đại diện Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP), doanh nghiệp vừa được trao quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, chỉ trong vòng 4 tháng kể từ khi doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đề xuất chủ trương đầu tư, tỉnh Hà Tĩnh đã đồng hành, hoàn tất các thủ tục để trình và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận, trao quyết định đầu tư dự án. Đây được xem là một trong những dự án có thời gian hoàn tất thủ tục đầu tư nhanh nhất của VSIP từ trước đến nay.

Hoạt động thu hút đầu tư với những dự án hiệu quả đã góp phần quan trọng thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế phát triển theo hướng hội nhập, bền vững. Nếu như thời điểm sau tái lập tỉnh (năm 1991), thu ngân sách nội địa mới đạt hơn 18 tỷ đồng, thì đến năm 2009, Hà Tĩnh đã có mặt trong nhóm các địa phương có số thu hơn 1.000 tỷ đồng và đến năm 2022, số ngân sách của tỉnh vượt ngưỡng 18.000 tỷ đồng.

Quy mô nền kinh tế (GRDP) có bước phát triển rõ rệt, từ con số 5.836 tỷ đồng vào năm 2004, đến năm 2022 đạt gần 93.000 tỷ đồng, tăng gần 16 lần, GRDP bình quân đầu người đạt 70,5 triệu đồng; tốc độ tăng trưởng GRDP duy trì ở mức cao qua các thời kỳ, giai đoạn 2005-2020 đạt mức hai con số (10,01%). Các dự án “đầu tàu” từ dòng vốn FDI góp phần đưa Hà Tĩnh từ một tỉnh nghèo dần trở thành tỉnh khá, góp phần cùng các tỉnh Bắc Trung Bộ sớm trở thành cực tăng trưởng mới.

(Còn nữa)