(Tiếp theo kỳ trước) (*)

Bắc Trung Bộ nỗ lực thu hút dòng vốn FDI

Bài 2: Nghệ An hướng đến trung tâm điện tử và công nghệ cao
0:00 / 0:00
0:00
Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh.
Cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng nam Nghệ An-bắc Hà Tĩnh.

Với ưu thế về đất đai, nguồn lao động cùng sự quan tâm đặc biệt của Trung ương và nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, Nghệ An đang dồn dập đón các nhà đầu tư FDI.

Riêng năm 2023, Nghệ An đã thu hút đầu tư FDI đạt gần 1,5 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố trong thu hút FDI.

Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả cũng như tạo sự lan tỏa, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư FDI, Nghệ An đã tạo lập “đường ray” để đón các ông lớn FDI, từ đó mở hướng trở thành trung tâm điện tử và công nghệ cao, để cùng cả nước hình thành “cứ điểm sản xuất mới”.

Hướng đến công xưởng điện tử

Với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, các khu công nghiệp đầu tư chuẩn quốc tế, nguồn nhân lực dồi dào, sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Trung ương, sự cầu thị của lãnh đạo các cấp cùng cơ chế thông thoáng, cởi mở, “tỉnh mở, sở hỗ trợ, huyện đồng hành”, gần đây Nghệ An liên tiếp đón các công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia, nhất là lĩnh vực điện tử và công nghệ cao đến tìm hiểu, quyết định đầu tư hay triển khai dự án...

Riêng năm 2023 địa phương này đã đón nhận thêm 16 dự án đầu tư FDI mới, với tổng số vốn đăng ký 1,2 tỷ USD cùng 11 dự án điều chỉnh tăng vốn 217 triệu USD.

Nổi bật trong thời gian gần đây là dự án sản xuất các sản phẩm, linh kiện quang học tích hợp hàng đầu thế giới có tổng mức đầu tư 150 triệu USD của Tập đoàn Sunny (Hồng Công-Trung Quốc); dự án sản xuất linh kiện quang học, tấm dẫn hướng ánh sáng, module hình nền, lắp ráp module tinh thể lỏng có vốn đầu tư 120 triệu USD của Công ty Radiant Opto-Electronic Corporation (Đài Loan-Trung Quốc); dự án sản xuất thanh silic đơn tinh thể và đĩa bán dẫn của Công ty TNHH Công nghệ Runergy PV Technology (Thái Lan) với tổng mức đầu tư 440 triệu USD...

Xác định thu hút nguồn vốn đầu tư FDI luôn là yếu tố hết sức quan trọng góp phần vào thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế và là nguồn lực để địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển, tỉnh Nghệ An đã thu hút 133 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt xấp xỉ bốn tỷ USD.

Trong đó, năm 2022, tỉnh Nghệ An thu hút FDI đạt gần một tỷ USD; năm 2023 đạt gần 1,5 tỷ USD; và trong hai năm liên tiếp Nghệ An đứng trong danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.

Đặc biệt, Nghệ An đã thành công trong thu hút các nhà đầu tư lớn sản xuất về công nghệ, điện tử, năng lượng mới, những doanh nghiệp tham gia vào chuỗi của tập đoàn lớn như: Tập đoàn Luxshare-ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy. Shangdong, Sunny...

Bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, linh kiện ô-tô... Quy mô ban đầu của một số dự án từ 100 triệu đến 200 triệu USD và ngày càng mở rộng, phát triển lên đến 500 triệu USD..., hứa hẹn, Nghệ An là một trong những trung tâm công xưởng điện tử và công nghệ cao của cả nước.

Điều quan trọng hơn là việc thu hút được các dự án FDI trong thời gian qua đã, đang góp phần hình thành chuỗi cung ứng tuần hoàn cho lĩnh vực điện tử và công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nhanh kim ngạch xuất, nhập khẩu và thu ngân sách, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân; tạo tiền đề cho Nghệ An phát triển nhanh và bền vững.

Cải thiện môi trường đầu tư

Lý giải về những kết quả đạt được trong thời gian qua, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết: Với phương châm “tỉnh mở, sở hỗ trợ, huyện đồng hành”, Nghệ An đã triển khai quyết liệt, đó là tập trung đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các khó khăn, vướng mắc.

Nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hợp tác với nước ngoài, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, và Tổ công tác liên ngành.

Hằng tháng, Tổ công tác tổng hợp tình hình giải quyết thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành liên quan đến đầu tư, kinh doanh để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư.

Qua đây, đạo đức công vụ được chấn chỉnh; một số cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu buộc phải điều chuyển hay xử lý kỷ luật, môi trường thu hút đầu tư của tỉnh thông thoáng, hấp dẫn và hiệu quả hơn. Mức độ hài lòng và niềm tin của người dân và doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư đối với các cơ quan hành chính nhà nước tăng lên...

Lý giải việc Tập đoàn Sunny quyết định lựa chọn triển khai dự án vào Nghệ An mà theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sunny Diệp Liêu Ninh: nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh và sự đồng hành của các sở, ban, ngành; cộng với môi trường đầu tư kinh doanh ở Nghệ An rất thuận lợi.

Một minh chứng ở dự án này là sau khi nhà đầu tư nộp hồ sơ thủ tục, chưa đầy một tuần sau, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Đây không phải là dự án đầu tiên ở Nghệ An có thời gian giải quyết thủ tục đầu tư nhanh nhất.

Trước đó, với dự án đầu tư 165 triệu USD của Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc), chỉ sau năm ngày làm việc kể từ khi nộp hồ sơ đề xuất đầu tư dự án, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trong lúc quy định là 15 ngày; hay như dự án Goertek thời gian từ khi nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đến khi cấp giấy phép xây dựng chỉ trong vòng 34 ngày, giảm 86 ngày so với quy định...

Trao đổi với chúng tôi, đa phần các doanh nghiệp trên địa bàn đều khẳng định, thay vì thực hiện quy trình “giải thích, giải trình” như trước đây, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã coi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp cũng chính là khó khăn, vướng mắc của tỉnh; từ đó, chủ động lắng nghe, nắm bắt, rà soát các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để tìm ra hướng giải quyết.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Hoàng Thịnh Đạt - đơn vị đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hoàng Mai 1, cho biết: Lãnh đạo tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã đồng hành cùng với chủ đầu tư trong suốt giai đoạn triển khai dự án, từ khảo sát đầu tư, thực hiện thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến công tác giải phóng mặt bằng...

Bên cạnh đó, công ty còn nhận được sự hỗ trợ tích cực trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ ngoài hàng rào dự án khu công nghiệp như đường giao thông, trạm biến áp 110kV... Nhờ đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào khu công nghiệp của doanh nghiệp.

Tính đến thời điểm hiện nay, Nghệ An có 13 khu công nghiệp với diện tích hơn 6.300 ha; trong đó, ba khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng đồng bộ với quy mô hơn 1.100 ha, gồm: VSIP Nghệ An, WHA và Hoàng Mai I.

Các khu công nghiệp này được đầu tư bởi các nhà đầu tư quốc tế có thương hiệu và kinh nghiệm trong đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong nước và quốc tế như VSIP (Singapore), WHA (Thái Lan), Hoàng Thịnh Đạt... nên đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về quỹ đất cho các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư.

Hiện các khu công nghiệp này đã cơ bản lấp đầy giai đoạn 1 và đang triển khai đầu tư giai đoạn tiếp theo.

Bên cạnh việc ban hành, thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, tỉnh Nghệ An luôn nỗ lực xây dựng, dần hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng thiết yếu; tạo sự kết nối giao thông ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp được bảo đảm thông suốt, thuận lợi.

Một số tuyến đường giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam chạy qua tỉnh Nghệ An; đường ven biển Nghi Sơn-Cửa Lò, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 15A cùng nhiều tuyến giao thông khác đang được đẩy nhanh tiến độ thi công...; Dự án cảng nước sâu Cửa Lò cùng khu hậu cảng và dự án cải tạo, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh đang được gấp rút triển khai...

Để thu hút tuyến vận tải biển container, cũng như các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nghệ An đã có cơ chế hỗ trợ tàu container và doanh nghiệp xuất hàng bằng container qua cảng Cửa Lò.

Một lợi thế lớn của Nghệ An mà các doanh nghiệp FDI luôn quan tâm, đó là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào với hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động. Nghệ An có hệ thống 17 trường đại học, cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề, hằng năm đào tạo tay nghề cho hàng chục nghìn lao động cùng một lượng lớn kỹ sư, là địa chỉ đào tạo tin cậy đang cung cấp đủ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp FDI trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhiều lao động của Nghệ An có trình độ tay nghề cao, có kinh nghiệm đang làm việc ở các khu công nghiệp, các dự án FDI ở các địa phương khác có thể thu hút về làm việc tại tỉnh nhà.

Điều đặc biệt, Nghệ An luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương trong định hướng phát triển, được Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành Nghị quyết riêng về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, định hướng Nghệ An phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Bùi Thanh An cho biết, đây là những cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng, kịp thời dành cho tỉnh Nghệ An, giúp tạo động lực mới cho phát triển của địa phương, đồng thời góp phần phát triển vùng trong giai đoạn mới.

(Còn nữa)

(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 18/12/2023.