Theo đó, 10 đoàn kiểm tra do các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm trưởng đoàn. Thành phần đoàn gồm các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành liên quan và Thường trực cấp ủy, chính quyền cấp huyện.
Trong thời gian từ ngày 1 đến 15/7/2024, các đoàn sẽ tiến hành kiểm tra việc chấp hành về bảo vệ môi trường tại một số cơ sở chăn nuôi trên địa bàn 9 huyện và thành phố Long Khánh.
Nội dung kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục môi trường; khảo sát, đánh giá công trình, biện pháp xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi; xác định các điểm nóng về môi trường tại các cơ sở chăn nuôi.
Kết quả thực hiện kết luận của Thường trực Tỉnh ủy đối với phản ánh, kiến nghị, khiếu nại của công dân và cơ quan báo chí về công tác bảo vệ môi trường tại cơ sở chăn nuôi (nếu có).
Cùng với đó, ghi nhận khó khăn, vướng mắc trong việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm; việc thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Kiểm tra hệ thống xử lý nước thải tại một trang trại chăn nuôi lợn ở Đồng Nai. |
Trước đó, trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã tiến hành đợt tổng kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với gần 10.000 cơ sở chăn nuôi trên địa bàn.
Đồng Nai được xem là “thủ phủ” chăn nuôi lợn và gà của cả nước. Tổng đàn lợn khoảng 2,5 triệu con, đàn gà khoảng 26 triệu con. Hiện, trên địa bàn có hơn 1.400 cơ sở chăn nuôi tập trung và hơn 22.000 cơ sở chăn nuôi nông hộ với hai loại chính là lợn và gà.
Bên cạnh một số cơ sở chấp hành tốt bảo vệ môi trường thì rất nhiều nơi hoạt động chăn nuôi đã gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước các sông, suối và gây mùi hôi trong các khu dân cư.
Trong 3 năm gần đây, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã nhiều lần lưu ý, phải chú trọng quan tâm vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình chăn nuôi. Bởi, nhiều trang trại đang gây ô nhiễm nguồn nước, đe dọa sức khỏe của người dân hiện tại cũng như về lâu dài. Đây là vấn đề rất đáng lo ngại, nếu không kịp thời chấn chỉnh sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của Đồng Nai.