Huyện Hoài Ân được mệnh danh là “vựa heo” của tỉnh Bình Định, nơi có đàn heo hơn 260.000 con. Ngoài 32 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, Hoài Ân còn có 5 trang trại chăn nuôi quy mô công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi chăn nuôi càng phát triển thì vấn đề môi trường cũng là mối lo lớn của ngành chức năng huyện này.
Để bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững, cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Định phối hợp Trường đại học Văn Lang chọn hộ chăn nuôi để xây dựng thí điểm mô hình xử lý nước thải chăn nuôi bằng phương pháp sinh học có chi phí thấp. Tại đội 9, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân, anh Nguyễn Văn Bình, chủ trang trại với hơn 100 con heo được chọn là 1 trong 2 hộ tham gia thí điểm mô hình này.
Mô hình của anh Bình sử dụng phương pháp tách cặn chất thải chăn nuôi thông qua hệ thống bể lắng kết hợp với hầm biogas. Nước và chất thải còn được xử lý qua hệ thống máy bơm lọc sinh học, bơm hồ thu, máy thổi khí. Chất thải sau khi tách nước được ủ làm phân vi sinh để bón cho cây trồng rất hiệu quả. Nhờ đó, lượng nước thải trong chăn nuôi xả ra ngoài môi trường giảm đáng kể, không còn mùi hôi như trước đây, không làm ảnh hưởng môi trường chung quanh. Theo anh Bình, dù vận hành hệ thống thường xuyên nhưng mỗi tháng chỉ tốn 200.000 đồng tiền điện, trong khi lợi ích mang lại là rất lớn.
Ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Ân cho biết, chăn nuôi đã được xác định là một thế mạnh của huyện. Nhiều năm qua, các cấp chính quyền huyện Hoài Ân đã từng bước đầu tư vào chăn nuôi, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung quy mô lớn áp dụng công nghệ mới, hiện đại, khép kín và an toàn với dịch bệnh. Những mô hình sản xuất hiệu quả đã được nhân rộng, trước mắt là chăn nuôi gà, heo theo hướng hữu cơ; nuôi bò vỗ béo.
Cùng với việc chuyển giao các kỹ thuật về chăn nuôi, huyện đã tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi trong khâu chăm sóc, vệ sinh chuồng trại và tiêm phòng cho đàn vật nuôi đúng quy định. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, mà còn bảo đảm an toàn cho cộng đồng trong bối cảnh dịch bệnh tăng cao. “Chăn nuôi heo, gà mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân, giúp địa phương phát triển kinh tế. Thế nhưng Hoài Ân đang phải đối mặt vấn đề môi trường bị ô nhiễm bởi chất thải chăn nuôi do mật độ chăn nuôi dày đặc. Để hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo đảm môi trường, huyện Hoài Ân đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó có mô hình xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học nhằm giảm thiểu ô nhiễm trong chăn nuôi”, ông Tín chia sẻ.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa (Trường đại học Văn Lang), hệ thống biogas giúp giảm mùi hôi và cải thiện cảnh quan, tạo ra môi trường xanh, sạch cho các hộ chăn nuôi. Bùn sinh học trong hầm biogas có thể tận dụng được nguồn phân bón, giảm thiểu được nồng độ các chất hữu cơ, giảm tải cho công trình xử lý nước thải phía sau. Một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn, quá trình phân hủy trong bể biogas sẽ sản sinh ra một lượng khí gas lớn có thể tận dụng làm nhiên liệu. Hai mô hình triển khai tại huyện Hoài Ân đều áp dụng công nghệ sinh học kết hợp với hóa-lý.
Trong đó, tập trung xử lý ô nhiễm hữu cơ trong nước thải thông qua các công đoạn xử lý sinh học kỵ khí (hầm biogas), thiếu khí (bể thiếu khí khuấy trộn đáy) và hiếu khí (bể hiếu khí có giá thể lơ lửng và lọc sinh học hiếu khí). “Kết quả phân tích chất lượng nước thải và xử lý chất thải tại các nông hộ sau khi áp dụng mô hình cho thấy hiệu quả cao. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư xây dựng các mô hình không quá cao, phù hợp với điều kiện chăn nuôi, điều kiện kinh tế của nông hộ”, Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghĩa chia sẻ.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chăn nuôi và Thú y Bình Định cho biết, nhiều địa phương có đàn heo lớn đã nỗ lực tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi thực hiện các mô hình xử lý, khử mùi. Điều này không chỉ giúp cải thiện môi trường sống cho cộng đồng, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăn nuôi.
Ngoài ra, việc lắp đặt công trình biogas xử lý chất thải chăn nuôi cũng được triển khai rộng rãi, các công trình quy mô nhỏ phù hợp với điều kiện kinh tế hộ gia đình đã được ưu tiên. Biogas không chỉ giúp xử lý chất thải chăn nuôi một cách hiệu quả, mà còn tạo ra nguồn năng lượng tái tạo, góp phần vào việc giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch. Những nỗ lực này sẽ góp phần tạo ra một môi trường chăn nuôi bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra lợi ích kinh tế cho cộng đồng.
Trên địa bàn Bình Định hiện có hơn 770 trang trại chăn nuôi heo với quy mô từ nhỏ đến lớn. Trong số đó, có 47 trang trại ứng dụng công nghệ cao, tập trung chủ yếu tại các huyện Hoài Ân, Phù Cát và thị xã An Nhơn. Tổng đàn heo trên địa bàn Bình Định hiện đạt gần 690.000 con, trong đó đàn heo nuôi trong nông hộ khoảng 460.000 con. Với số lượng vật nuôi lớn như vậy, vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là nỗi trăn trở của mỗi nhà nông cũng như chính quyền địa phương.