Để khắc phục tình trạng này ngành chăn nuôi cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp với sự chung tay của các cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi.
Theo Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam Nguyễn Ngọc Sơn, ước tính mỗi năm bình quân có 61 triệu tấn phân và hơn 304 triệu m³ nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính. Chỉ một số ít được xử lý, tái sử dụng (làm khí sinh học, ủ phân phục vụ cây trồng, nuôi giun, cho cá ăn…), còn lại phần lớn là được thải ra môi trường, gây lãng phí và ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm, phát sinh dịch bệnh và sức khỏe cộng đồng.
Thực tế cho thấy, nạn ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lâu nay vẫn chưa được giải quyết rốt ráo cho dù nhiều địa phương (như: Phú Thọ, Gia Lai, Đắk Nông, Đồng Nai, Tây Ninh…) đã mạnh tay xử lý các nông hộ, gia trại, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi vi phạm các quy định về môi trường.
Nguyên nhân là bởi chăn nuôi tự phát còn nhiều, tỷ lệ số hộ áp dụng biện pháp xử lý chất thải của vật nuôi (phân, nước tiểu, chất thải lỏng, chất thải rắn…), chất thải khác từ các cơ sở giết mổ (lông da, sừng, móng, nội tạng…), từ dịch bệnh (gia súc, gia cầm chết) theo quy định còn thấp, nhất là tại một số nơi phương thức chăn nuôi thả rông của người dân vẫn phổ biến.
Thêm vào đó, việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém, cho nên họ không đầu tư, mà thường xả thải trực tiếp ra cống rãnh thoát nước, chảy tập trung về các ao nằm xen kẽ trong khu dân cư, ứ đọng lại gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.
Bên cạnh đó, công nghệ chăn nuôi, công nghệ xử lý môi trường chưa đáp ứng được tốc độ phát triển chăn nuôi; thiếu chính sách cụ thể, hoặc có nhưng chưa triển khai được do không phù hợp thực tế để giúp các trang trại chăn nuôi xử lý chất thải; diện tích đất chăn thả cho gia súc lớn (trâu, bò, dê, cừu…) hạn hẹp, nơi có quy hoạch, nơi không có, cho nên khó đầu tư cho việc xử lý chất thải…
Các chuyên gia cho rằng, thời gian tới cần triển khai ngay một số giải pháp: Tập trung phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi (một trong năm đề án ưu tiên thuộc Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Từ đó các địa phương cố gắng thực hiện, mở ra một hướng mới cho chăn nuôi phát triển theo hướng kinh tế tuần hoàn, đạt hiệu quả tốt; trong đó chú trọng việc vận hành tái chế chất thải chăn nuôi, khắc phục nhanh tình trạng ô nhiễm môi trường.
Cần nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi bằng nhiều hình thức nhất là đối với chăn nuôi tập trung, cơ sở đã nằm trong vùng quy hoạch tạo sự chuyển biến rõ nét về việc tuân thủ pháp luật, bảo đảm xử lý môi trường, an toàn dịch bệnh khi tham gia quá trình chăn nuôi hoặc xây dựng cơ sở sản xuất giết mổ, sơ chế, chế biến; đẩy nhanh tiến độ ứng dụng chăn nuôi công nghệ cao, ưu tiên nguồn lực, nhân lực cho các doanh nghiệp xây dựng liên kết chuỗi, có công nghệ xử lý môi trường tái chế, sản xuất các chất thải để phục vụ lại cho phát triển chăn nuôi, trồng trọt; nhân rộng các mô hình, điển hình đã làm tốt, hiệu quả về tái chế chất thải chăn nuôi thời gian qua, đi tắt, đón đầu các công nghệ mới tiên tiến; tiếp tục rà soát, quan tâm hơn các chế độ, chính sách về môi trường để bảo đảm tính khả thi, phù hợp tổ chức triển khai đồng bộ hiệu quả, đơn cử như có thêm chính sách hỗ trợ người chăn nuôi xây dựng hệ thống xử lý chất thải như hỗ trợ tín dụng cho hộ và cơ sở chăn nuôi xây dựng công trình khí sinh học, công trình xử lý chất thải bằng nguồn vốn từ quỹ bảo vệ môi trường.
Đồng thời, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân chăn nuôi vi phạm trong lĩnh vực môi trường, nhất là việc xả thải các chất thải từ chăn nuôi, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật ra môi trường.
Chia sẻ thêm về kinh nghiệm xử lý môi trường trong chăn nuôi, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội Bùi Đại Phong cho biết: Hiện đơn vị này đã ứng dụng khoa học kỹ thuật để nuôi bò trên nền đệm lót sinh học.
Đây là công nghệ mới giúp giảm ô nhiễm môi trường do các chất thải được phân giải, từ đó mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi hầu như không còn, tạo môi trường sống không ô nhiễm; góp phần bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thúc đẩy chăn nuôi phát triển.