Nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

NDO -

Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ do các cơ quan có thẩm quyền (Thanh tra chuyên ngành, cơ quan Quản lý thị trường, Công an, Hải quan, Ủy ban nhân dân các cấp và Tòa án) thực hiện.

Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.
Ông Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ.

Vấn đề nổi cộm hiện nay là không ít các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vẫn bị xâm phạm, không được bồi thường thiệt hại, và không được xin lỗi công khai.

Nhân ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4), phòng viên Báo Nhân Dân có cuộc phỏng vấn Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Lê Hồng xung quanh vấn đề này và vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Phóng viên: Từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, xin ông đánh giá hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam? Vai trò của Cục Sở hữu trí tuệ trong hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ?

Ông Trần Lê Hồng: Trong những năm qua, hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được tăng cường, thể hiện qua các số liệu thống kê vụ việc xử lý của các cơ quan có thẩm quyền. Nếu tính từ năm 2018 đến tháng 9/2021 thì chỉ riêng lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra được trên 16 nghìn vụ việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (chưa tính đến các vụ việc liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan... và của các lực lượng thực thi quyền sở hữu trí tuệ khác) và xử lý được gần 16 nghìn vụ với số tiền xử phạt trên 150 tỷ đồng. Như vậy, có thể nói kết quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan thực thi tương đối tích cực, nhiều vụ xâm phạm về hàng giả, hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ được phát hiện và xử lý, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, chúng tôi cho rằng hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong những năm gần đây, thu được kết quả đáng kể như nêu trên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Một trong những bất cập của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ là việc dựa chủ yếu vào thủ tục và chế tài hành chính khiến nguồn lực của các cơ quan xử lý vi phạm hành chính đã hạn chế lại càng trở nên quá tải trong khi cá nhân, tổ chức xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không những không phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình gây ra, mà việc đóng góp để bảo đảm hoạt động xử lý vi phạm của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng không đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn hạn chế khiến nạn hàng giả, nhất là giả mạo về sở hữu trí tuệ còn khá phổ biến; chưa nâng cao được năng lực của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ trong việc thực thi quyền của mình.

Cục Sở hữu trí tuệ là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ không phải là cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng dưới góc độ là một trong những cơ quan quản lý nhà nước được giao chức năng vận hành hệ thống bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, hệ thống sở hữu công nghiệp nói riêng, Cục Sở hữu trí tuệ có nhiều hoạt động và đóng góp quan trọng vào hoat động thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam. Bên cạnh công tác xây dựng cơ chế, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ, bao gồm cả thực thi quyền sở hữu trí tuệ, hằng năm, Cục Sở hữu trí tuệ hỗ trợ cung cấp một số lượng lớn ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp xử lý vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được chính xác, hiệu quả.

Chỉ tính riêng năm 2021, Cục Sở hữu trí tuệ đã chuyển 234 văn bản ý kiến chuyên môn cho các cơ quan thực thi quyền sở hữu công nghiệp khác nhau. Song song với đó, Cục Sở hữu trí tuệ luôn kịp thời hỗ trợ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ để việc áp dụng được chính xác và thống nhất trên cả nước.

Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ chủ trì và phối hợp, kể cả với các cơ quan và tổ chức nước ngoài và quốc tế, tổ chức hội nghị, hội thảo, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về sở hữu trí tuệ nói chung, thực thi quyền sở hữu trí tuệ nói riêng, kể cả cho các cán bộ làm công tác thực thi quyền sở hữu trí tuệ, góp phần nâng cao năng lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Phóng viên: Vậy, trong tình hình hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ có những giải pháp nào hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam?

Ông Trần Lê Hồng: Có rất nhiều giải pháp khác nhau để nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay. Trước tiên là giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách và pháp luật về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030 của Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã khẳng định rõ nhiệm vụ, giải pháp về rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; bảo đảm các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp tính chất dân sự của quyền sở hữu trí tuệ; nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đủ sức răn đe và chú trọng chống hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ; và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ. Việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ hiện nay đang được triển khai theo hướng này. Đồng thời, việc hướng dẫn thi hành sau khi Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ được thông qua cũng sẽ tiếp tục được thúc đẩy theo định hướng nêu trên. Cục Sở hữu trí tuệ là đầu mối hoặc phối hợp triển khai xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật sở hữu trí tuệ sẽ đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Bên cạnh việc hoàn thiện hành lang pháp lý, việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ cần được xác định như một điểm đột phá, nhất là khi nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ ở các cơ quan này từ Trung ương xuống địa phương còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Để triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, Cục Sở hữu trí tuệ đang triển khai xây dựng đề án liên quan đến phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp về sở hữu trí tuệ, trong đó một trong những nhiệm vụ trọng tâm là hoạt động đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ về sở hữu trí tuệ cho cán bộ chuyên trách của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Trong phạm vi chức năng quyền hạn của mình, Cục Sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ về mặt chuyên môn cho các cơ quan thực thi như: hướng dẫn áp dụng pháp luật, cung cấp các ý kiến chuyên môn đối với những vụ việc cần có ý kiến chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ. Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cũng sẽ dành nguồn lực, tăng cường phối hợp các cơ quan thực thi triển khai nhiều hơn nữa các hoạt động đào tạo, tập huấn về sở hữu trí tuệ với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng để bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực cho các cán bộ thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tránh tình trạng có những cán bộ đã làm việc nhiều năm mà chưa có cơ hội được đào tạo một cách cơ bản về sở hữu trí tuệ.

Tuy nhiên, trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ thì sự tích cực và chủ động của các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ vẫn luôn đóng vai trò quyết định. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ và tích cực với các cơ quan này trong thời gian tới vì mục tiêu bảo đảm hiệu quả hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ phục vụ việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung.

Phóng viên: Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới năm nay có chủ đề là “Sở hữu trí tuệ và Thế hệ trẻ: Đổi mới sáng tạo vì một tương lại tốt đẹp hơn” nhằm tôn vinh những đổi mới và sáng tạo do thanh niên dẫn dắt. Theo ông, giới trẻ hiện nay cần làm gì để góp phần bảo đảm hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam được hiệu quả?

Ông Trần Lê Hồng: Hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ được hiệu quả hay không cần có sự nỗ lực và tham gia tích cực của tất cả các chủ thể. Vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực thi quyền là rất quan trọng, từ xây dựng chính sách, pháp luật đến phát hiện, xử lý xâm phạm. Tuy nhiên, các nhóm chủ thể khác từ người tiêu dùng, chủ thể sáng tạo, doanh nhân... đều có vai trò quan trọng riêng của mình. Trong tất cả các nhóm chủ thể này cũng như trong các cơ quan quản lý và thực quyền sở hữu trí tuệ, các bạn trẻ đều hiện diện và là lực lượng rất quan trọng bởi nhiệt huyết, dám chấp nhận những thách thức, luôn có tinh thần đổi mới sáng tạo. Các bạn trẻ sẽ sử dụng năng lượng và sự khéo léo, trí tò mò và sự sáng tạo của mình để đi tới một tương lai tốt đẹp hơn. Những bộ óc đổi mới, năng động và sáng tạo đang giúp thúc đẩy những thay đổi mà chúng ta cần để hướng tới một tương lai bền vững hơn.

Bên cạnh việc không ngừng sáng tạo, đổi mới các bạn trẻ cũng cần nhận thức rõ rằng để bảo đảm cho sự sáng tạo được bền vững, chúng ta cần có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Trước tiên các bạn cần hiểu được cơ chế của việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, những quyền và nghĩa vụ của chủ thể sáng tạo, chủ thể quyền hay của người tiêu dùng trong sử dụng và khai thác các sản phẩm được tạo ra từ sự đóng góp quan trọng của tài sản trí tuệ. Tất cả các thông tin và kiến thức cơ bản về sở hữu trí tuệ các bạn trẻ có thể dễ dàng tìm hiểu trên các kênh thông tin khác nhau, đặc biệt là Cổng thông tin điện tử của Cục Sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, Cục Sở hữu trí tuệ cũng đang tích cực xây dựng nhiều hơn nữa các khóa học với các nội dung và hình thức linh hoạt, phù hợp để các bạn trẻ có thể tiếp cận một cách dễ dàng và hiệu quả ở mọi nơi, mọi lúc.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!