Hơn 1,9 triệu người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh làm việc

NDO -

Chiều 10/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, đến sáng 10/2, tỷ lệ lao động quay lại thành phố Hồ Chí Minh làm việc sau Tết chiếm khoảng 96%, hơn 1,9  triệu người.

Toàn cảnh buổi họp báo.
Toàn cảnh buổi họp báo.

Trong đó, số lao động trở lại làm việc tại Khu chế xuất-Khu công nghiệp là 262.000/273.000 lao động, tại Khu công nghệ cao là 49.700/51.767 lao động. Số lao động trở lại làm việc ở các doanh nghiệp ngoài Khu chế xuất-Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao là  hơn 1,6 triệu người.

Ông Nguyễn Văn Lâm cho biết thêm, dự kiến với tình hình hiện nay, sự thu hút của doanh nghiệp, thì đến sau ngày 13/2, lao động ở các doanh nghiệp sẽ quay lại tương đối đầy đủ vì có một số doanh nghiệp chuẩn bị đơn hàng đến tháng 7 nên chính sách thu hút đông lao động, giữ chân lao động trở lại làm việc khá tốt. Theo tình hình chung về thị trường sức lao động, nhu cầu lao động sau Tết ở thành phố là khoảng 30.000 người.

Theo thống kê của hệ thống dịch vụ việc làm thành phố Hồ Chí Minh, các  ngành có nhu cầu tuyển dụng lao động cao gồm: thương mại, công nghệ thông tin, thủy sản, dệt may, da giày, lương thực thực phẩm, điện tử… Mức lương dao động từ 6 triệu đồng trở lên đối với lao động không cần chuyên môn; 8-10 triệu đồng/người cho lao động có tay nghề. Ngoài ra, người lao động còn được hưởng thêm phụ cấp như làm thêm giờ, cơm trưa, rút thăm may mắn,… So với Tết những năm trước tình hình lao động năm Nhâm Dần có nhiều khả quan hơn.

Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất-Khu Công nghiệp thành phố (Hepza) Phạm Thanh Trực cho biết, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp thuộc Hepza năm 2022 là khoảng 51.000 lao động, trong đó doanh nghiệp FDI khoảng 41.000 và doanh trong nước khoảng 10.000. Về trình độ lao động, lao động phổ thông khoảng 35.000; lao động có tay nghề hoặc trung cấp nghề khoảng 12.300; lao động có trình độ đại học trở lên khoảng 3.400.

Tại cuộc họp, đại diện Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh thông tin thêm, thời gian tới, Liên đoàn tiếp tục tuyên truyền phòng, chống dịch, theo dõi tình hình nhiễm bệnh của công nhân sau khi trở lại làm việc. Đến nay, Liên đoàn ghi nhận hơn 1.000 ca công nhân nhiễm nhưng mức độ nhẹ. Tỷ lệ tiêm mũi 3 của công nhân quay trở lại làm việc đã đạt hơn 86%. Liên đoàn đang phối hợp các cơ sở y tế triển khai hoạt động hỗ trợ phục hồi đối với bệnh nhân nhiễm Covid-19 trước đây để bảo đảm sức khỏe tâm lý tham gia sản xuất.

Thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế thành phố nhận định, vài ngày tới số ca sẽ tiếp tục tăng nhưng số ca nặng không tăng, thậm chí sẽ còn giảm do khâu chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19 tốt.

Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường vận động truyền thông về 5K cho người dân, tăng cường tiêm vaccine. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết thêm, trong giai đoạn 1 của chiến dịch tiêm chủng mùa xuân (từ ngày 29/1 đến ngày 6/2) đã có 13.056 người đã được tiêm vaccine, trong đó, 1.823 người tiêm mũi 2; 554 người tiêm mũi 1; 1.257 người tiêm mũi bổ sung và 9.422 người tiêm mũi nhắc lại. Chiến dịch này sẽ được tiếp tục đến ngày 29/2.  

“Ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp ngành giáo dục lập danh sách cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, chuẩn bị sẵn sàng hết các chương trình, kế hoạch, để khi Bộ Y tế hướng dẫn, chỉ đạo thành phố sẽ bắt tay vào tiêm ngay cho các cháu ở đối tượng này. Ngoài ra, thành phố tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ người có nguy cơ và mở rộng đối tượng từ 55 tuổi trở lên” - bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.