Tin tức tuần qua

Xây đập tạm để đẩy nước về Đà Nẵng
0:00 / 0:00
0:00

Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng vừa có văn bản liên quan đắp đập tạm trên sông Quảng Huế (địa phận huyện Ðại Lộc, tỉnh Quảng Nam) để điều tiết nước từ sông Vu Gia về sông Yên xuống sông Cầu Ðỏ, sông Cẩm Lệ (TP Ðà Nẵng) giúp đẩy mặn, nhà máy nước Cầu Ðỏ đủ nguồn nước thô để xử lý, cung cấp nước ngọt cho người dân thành phố.

Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu để cùng với các cơ quan đơn vị, địa phương của tỉnh Quảng Nam đắp đập tạm trên sông Quảng Huế theo ý kiến thống nhất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam; lập các hồ sơ, thủ tục đắp đập tạm, theo dõi tình hình nguồn nước trên sông Vu Gia và Quảng Huế để xác định cao trình đỉnh đập tạm phù hợp, bảo đảm điều tiết một phần nước về hạ lưu đập tạm cấp phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp; phối hợp tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin, kế hoạch đắp đập tạm; quản lý, vận hành đập tạm và kịp thời xử lý các sự cố phát sinh trong quá trình vận hành; tháo dỡ đập tạm trước mùa mưa lũ...

Đồng bộ các giải pháp đưa xuất khẩu đạt 220 triệu USD

Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, thời gian qua tỉnh Quảng Bình đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình để định hướng và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu phát triển.

Các mặt hàng được lựa chọn để mở rộng quy mô xuất khẩu là: Thủy hải sản, tinh bột sắn, các loại hạt đậu đỗ, sản phẩm gỗ; sản phẩm may mặc, phân bón, xi-măng, khoáng sản...; chú trọng nâng cao chất lượng và đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường truyền thống, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng cho các sản phẩm hàng hóa của tỉnh Quảng Bình.Phấn đấu đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh năm 2024 đạt khoảng 400 triệu USD, tăng 8,1% so với năm 2023, trong đó xuất khẩu đạt 220 triệu USD, nhập khẩu đạt 180 triệu USD.

Trung tâm Y tế huyện đảo Lý Sơn đi vào hoạt động

Sau hơn hai năm xây dựng, Trung tâm Y tế quân-dân y kết hợp huyện Lý Sơn với mức đầu tư 278 tỷ đồng vừa được tỉnh Quảng Ngãi đưa vào sử dụng. Công trình có công suất hoạt động 100 giường bệnh với 10 chuyên khoa cùng trang thiết bị y tế hiện đại đáp ứng đủ các tiêu chuẩn bệnh viện cấp huyện hạng III. Từ Lý Sơn vào đất liền mất hơn một giờ đi tàu cao tốc nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn tàu, sẵn chuyến, công trình được đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất lớn, bảo đảm công tác khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn huyện và du khách trong thời gian tới.

Tin tức tuần qua ảnh 1

Trung tâm y tế huyện đảo Lý Sơn có 100 giường bệnh.

Hàng chục nghìn du khách trải nghiệm cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam

Sau hơn một tháng đưa vào vận hành khai thác, chuyến tàu du lịch với tên gọi “Kết nối di sản miền trung” giữa Huế và Ðà Nẵng đã thu hút hàng chục nghìn du khách tham gia trải nghiệm trên cung đường sắt đẹp nhất Việt Nam và nằm trong tốp 10 cung đường sắt đẹp nhất thế giới do Sputnik bầu chọn.

Ngành đường sắt và hai địa phương đang phối hợp các công ty lữ hành tiếp tục cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, có những chương trình khuyến mãi kết nối với các điểm tham quan để chuyến tàu này thật sự trở thành một sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Theo Công ty cổ phần Ðường sắt Hà Nội, từ ngày 26/3 đến nay, chuyến tàu du lịch “Kết nối di sản miền trung” đã thu hút hơn 27.600 lượt khách, trong đó khách quốc tế là gần 2.200 lượt khách.

Trình dự thảo nghị quyết bổ sung cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Nghệ An

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết và dự thảo Tờ trình của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Chính phủ giao Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo quy trình tại một kỳ họp và theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Thanh Hóa đạt doanh thu du lịch cao nhất cả nước dịp nghỉ lễ 30/4-1/5

Thông tin từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5 (từ ngày 27/4 đến 1/5), ngành du lịch ước phục vụ khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Hầu hết các địa bàn du lịch trọng điểm trên cả nước đã ghi nhận tín hiệu tích cực với lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Thanh Hóa phục vụ khoảng 1,52 triệu lượt khách, tăng 27,2%; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 3.805 tỷ đồng, tăng 32,8%, là địa phương đứng đầu về doanh thu du lịch trong dịp lễ 30/4-1/5 vừa qua.

Lần lượt xếp ở các vị trí kế tiếp là Thành phố Hồ Chí Minh 3.235 tỷ đồng; Hà Nội 2.500 tỷ đồng; Quảng Ninh 2.210 tỷ đồng; Nghệ An 1.700 tỷ đồng; Ðà Nẵng 1.336 tỷ đồng; Khánh Hòa 1.306 tỷ đồng.

Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng lập sàn thương mại điện tử kết nối giao thương

Ðể hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hoạt động tốt hơn trong lĩnh vực thương mại điện tử, Sở Công thương Bình Thuận đã phối hợp với Trung tâm Phát triển thương mại điện tử-Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai Ðề án “Xây dựng Sàn thương mại điện tử nhằm hỗ trợ kết nối giao thương 3 tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Ðồng”. Sàn thương mại điện tử đã góp phần giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh Bình Thuận; tăng cường kết nối cung cầu để trao đổi, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng ba tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Lâm Ðồng cũng như các sản phẩm vùng miền của cả nước trên sàn thương mại điện tử này.