Thi công cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tỉnh Quảng Bình

Tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông vận tải) phối hợp Tập đoàn Ðèo Cả và các đơn vị liên quan vừa tổ chức Lễ triển khai thi công dự án cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, thuộc đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00

Dự án gồm hai gói thầu, gói XL01 thi công xây dựng hai hầm đường sắt, tổng chiều dài 935m, thời gian thực hiện 23 tháng do liên danh Công ty Ilsung - Tập đoàn Ðèo Cả thực hiện. Trong đó, hầm 1 dài 620m, hầm 2 dài 393m, khổ hầm 10m, thiết kế theo tiêu chuẩn hầm đường sắt cấp I. Gói XL02 thi công xây dựng các công trình cầu, đường sắt, thông tin tín hiệu và các công trình còn lại do liên danh Ilsung - Tổng công ty Công trình đường sắt thực hiện, thời gian thi công 22 tháng.

Ðây là dự án đường sắt đầu tiên ở Việt Nam được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

JICA hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi bắc Nghệ An

Lễ khánh thành dự án "Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An" vừa diễn ra tại công trình đầu mối, huyện Ðô Lương (Nghệ An). Dự án có giá trị khoản vay 19,122 triệu Yên (tương đương 3.650 tỷ đồng tại thời điểm ký thỏa thuận vay) và được thực hiện trong thời gian từ năm 2013 đến 2023. Thông qua dự án, hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An trên địa bàn 4 huyện Ðô Lương, Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu thuộc Hợp phần 1 của Dự án đã được khôi phục, nâng cấp, bảo đảm tưới ổn định cho 28,801 ha đất nông nghiệp, bổ sung nguồn nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, công nghiệp và phục vụ các mục tiêu khác. Cũng trong khuôn khổ dự án, diện tích canh tác và năng suất trong vùng dự án đã tăng lên đáng kể, năng lực thoát lũ nâng cao, tiêu úng giảm ngập, môi trường được cải thiện, ảnh hưởng của hạn hán giảm, từ đó nâng cao đời sống người dân trong vùng dự án…

Lễ khánh thành dự án "Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An" là một trong những sự kiện quan trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Tại buổi lễ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trao bằng khen của Bộ trưởng tặng Văn phòng JICA Việt Nam về những đóng góp của JICA cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam.

Đà Nẵng sẵn sàng cho Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á lần thứ 13

Ðại hội Thể thao học sinh Ðông Nam Á lần thứ 13 năm 2024 sẽ diễn ra tại thành phố Ðà Nẵng trong 10 ngày (từ 31/5 đến 9/6), với sự tham gia của 10 quốc gia đến từ Ðông Nam Á. Ðến nay, công tác chuẩn bị cho sự kiện đã và đang được Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Ủy ban nhân dân thành phố Ðà Nẵng kiểm tra, rà soát, bảo đảm đúng kế hoạch.

Với khẩu hiệu "Kết nối cùng tỏa sáng", Ðại hội là sự kết nối của học sinh các quốc gia ở khu vực Ðông Nam Á, là nơi để các em cùng tỏa sáng tài năng thể thao và tinh thần đoàn kết vì một thế hệ Ðông Nam Á hội nhập và phát triển. Biểu tượng của Ðại hội lần này là hình mắt rồng, linh vật Ðại hội là hình con voọc chà vá chân nâu. Chương trình thi đấu Ðại hội gồm các môn: Ðiền kinh, bơi lội, bóng rổ, cầu lông, vovinam, pencak-silat với 107 nội dung.

Hà Tĩnh hỗ trợ tiêu thụ gần 50 tấn cam sành Hà Giang

Cam sành Hà Giang đạt tiêu chuẩn VietGAP, có độ ngọt cao, giá cả phải chăng đang ngày càng chiếm được lòng tin của nhiều người tiêu dùng ở Hà Tĩnh. Thời gian qua, Trung tâm Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh) đã phối hợp Hội Nông dân tỉnh Hà Giang tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam sành Hà Giang. Ðây là hoạt động nhằm tiếp tục tăng cường xúc tiến thương mại giữa hai tỉnh Hà Tĩnh và Hà Giang trong giới thiệu sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương.

Trong niên vụ 2023-2024, Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hà Tĩnh đã trực tiếp tiêu thụ gần 50 tấn cam sành Hà Giang trên địa bàn Hà Tĩnh.

Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây atiso

Trường đại học Nông lâm, Ðại học Huế phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức hội thảo khoa học về dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh "Ứng dụng khoa học và công nghệ xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao từ cây atiso đỏ tại Phong Ðiền".

Ðược triển khai từ tháng 9/2022 đến tháng 3/2024, dự án đã xây dựng mô hình trồng, chăm sóc cây atiso đỏ đạt tiêu chuẩn VietGAP với quy mô 5 ha, đào tạo được 5 kỹ thuật viên, 100 nông dân đủ trình độ kỹ thuật, kỹ năng sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm chế biến từ atiso đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP; tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo các quy định của Bộ Y tế và 16 kỹ sư chuyên ngành công nghệ thực phẩm; công nghệ sau thu hoạch; bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm, nông học..