Phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký quyết định phê duyệt Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc thành phố Nha Trang ( Khánh Hòa).
Một góc thành phố Nha Trang ( Khánh Hòa).

Theo đó, quy mô lập quy hoạch thành phố có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha. Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050: TP Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa. TP Nha Trang sẽ là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa; là trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước.

Khoảng 76.000 người dân Bình Thuận thiếu nước sinh hoạt

Từ đầu năm 2024 đến nay, do ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, toàn tỉnh Bình Thuận có 41 xã, phường, thị trấn tại các huyện Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh và thành phố Phan Thiết bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo đơn vị khai thác công trình thủy lợi tổ chức kiểm kê nguồn nước tại các hồ chứa và công trình thủy lợi trên địa bàn; tính toán cân bằng nước để tổ chức vận hành, phân phối nước từng công trình bảo đảm tiết kiệm, hợp lý; trong đó, ưu tiên nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân đến ngày 30/6/2024.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo UBND địa phương chủ động sử dụng ngân sách phối hợp với Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khảo sát, chọn vị trí bố trí các điểm lấy nước phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lấy nước sinh hoạt.

Bình Định cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư

Nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh, phấn đấu trở thành “Điểm đến lý tưởng” đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện một số nội dung đột phá lớn như: Khẩn trương hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, lựa chọn giao thông “đi trước mở đường”; quyết liệt, đi đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính; đầu tư nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp và chuẩn bị nhiều quỹ đất sạch; tập trung thúc đẩy công tác liên kết vùng… Tỉnh Bình Định cam kết, ngoài các ưu đãi cao nhất theo quy định của Chính phủ về tiền thuê đất, thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu..., nhà đầu tư sẽ được đầu tư hoàn thiện hạ tầng điện, nước, giao thông, viễn thông đến tận khu vực dự án. Đồng thời, tỉnh cam kết nhà đầu tư sẽ được giải quyết vướng mắc nhanh nhất thông qua đường dây nóng và tổ công tác đặc biệt của Chủ tịch UBND tỉnh, với hình thức xử lý online ngay khi nhận thông tin và họp trực tiếp thường kỳ vào sáng thứ hai hằng tuần.

Đà Nẵng có tổng kho logistics tại Khu công nghiệp Hòa Khánh

Sau gần 12 tháng triển khai thi công với tổng đầu tư trên 49 tỷ đồng, dự án Tổng kho logistics Searee chính thức đi vào hoạt động. Tổng kho logistics Searee tại Đà Nẵng có diện tích xây dựng hơn 8.000 m2 và 3.000 m2 sân bãi, có thể chia từ 2-3 module độc lập.

Tổng kho logistics Searee sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống logistics trong khu vực; giúp đáp ứng nhu cầu lưu trữ, luân chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho khu vực Duyên hải miền trung, Tây Nguyên nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng.

Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống Huế

Theo thống kê, trên địa bàn TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) có khoảng 800 cơ sở nghề, trong đó có 2 hợp tác xã, 20 doanh nghiệp và hơn 770 cơ sở nghề; giải quyết việc làm cho 3.500 lao động, trong đó 3.000 lao động thường xuyên và các nghệ nhân, thợ thủ công.

Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống, thành phố đã đầu tư hạ tầng, huy động các nguồn lực xã hội nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với bảo tồn nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống. Phấn đầu hằng năm có từ 1 - 2 sản phẩm của các nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn được công nhận sản phẩm OCOP. Đồng thời, thành phố khôi phục và thúc đẩy sự phát triển của các nghề, làng nghề thông qua các chương trình khởi nghiệp, đầu tư thiết bị từ nguồn vốn khuyến công… nhằm đạt được mục tiêu phát triển làng nghề kết hợp phát triển du lịch.

Hội An là điểm đến an toàn nhất thế giới khi du lịch một mình

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) vinh dự đứng đầu danh sách những điểm du lịch một mình an toàn nhất thế giới do website Smoky Mountains của Mỹ tổng hợp.

Theo website Smoky Mountains, Hội An (Việt Nam) có tỷ lệ tội phạm là 6,25, thấp hơn nhiều so với Lima (Peru), nơi có tỷ lệ tội phạm cao nhất là 84,51. Du khách đến Hội An có thể dễ dàng tham gia vào các hoạt động một mình mà không phải lo lắng quá nhiều. Những con đường nhỏ và giao thông chậm giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc dạo chơi và khám phá phố cổ một cách thoải mái và dễ dàng. Đây là nơi bạn có thể tự do khám phá mà không cần lo lắng về sự an toàn cá nhân, nơi mỗi góc phố, mỗi nụ cười đều chứa đựng sự ấm áp và mến khách.

Năm 1999, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Từ đó đến nay, Hội An thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước mỗi năm.