Tin tức tuần qua

Thanh Hóa thu ngân sách hơn 40 nghìn tỷ đồng
0:00 / 0:00
0:00
Người lao động ở Thanh Hóa bảo dưỡng thiết bị may công nghiệp.
Người lao động ở Thanh Hóa bảo dưỡng thiết bị may công nghiệp.

Năm 2023, Thanh Hóa có 19 trong số 25 chỉ tiêu phát triển công nghiệp chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,87%, một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng cao so với cùng kỳ như điện sản xuất tăng 77,5%, thức ăn gia súc tăng 12,8%, giày thể thao tăng 6,2%. Ðã có thêm 3.194 doanh nghiệp mới được thành lập, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

Tỉnh Thanh Hóa thu hút thêm 83 dự án đầu tư trực tiếp, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt gần 30.000 tỷ đồng và 209,9 triệu USD; thu ngân sách nhà nước đạt hơn 40 nghìn tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán giao.

Năm 2024, Thanh Hóa phấn đấu thành lập mới hơn 3.000 doanh nghiệp, huy động 135.000 tỷ đồng đầu tư phát triển; quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, gia tăng sản lượng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Thanh Hóa phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp hơn 14,9%, góp phần đạt GRDP bình quân đầu người hơn 3.540 USD trong năm 2024.

Nhiều doanh nghiệp ở Đà Nẵng kín đơn hàng cuối năm

Ba tháng cuối năm 2023, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành may mặc, thủy sản tại Ðà Nẵng có tín hiệu vui khi nhiều đơn hàng tăng trở lại, việc làm của người lao động khởi sắc.

Ðể giúp người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp có chính sách thưởng hợp lý, Liên đoàn Lao động thành phố Ðà Nẵng cũng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ đoàn viên, người lao động hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, mất việc làm, giảm giờ làm và tổ chức nhiều chuyến xe Công đoàn đưa công nhân về quê đón Tết.

Bình Định sẽ mở rộng, nâng cấp nhiều bến cảng

Theo Quy hoạch tỉnh Bình Ðịnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt, trong phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, Bình Ðịnh định hướng phát triển mạnh về logistics, cảng biển. Tỉnh sẽ tập trung khai thác hiệu quả cụm cảng Quy Nhơn gắn với phát triển hệ thống cảng cạn và hiện đại hóa dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất hiện có; nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng.

Cụ thể, Bình Ðịnh sẽ nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các bến cảng thuộc các khu bến Quy Nhơn-Thị Nại-Ðống Ða, khu bến Nhơn Hội. Các bến phao (hàng lỏng) tại Quy Nhơn sẽ được di dời phù hợp với tiến trình mở rộng cảng Quy Nhơn theo quy hoạch.

Ðối với chức năng của các khu bến cảng, khu bến Quy Nhơn-Thị Nại-Ðống Ða có chức năng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Ðịnh và khu vực Tây Nguyên; có các bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến cảng khách.

Quảng Bình đặt mục tiêu đón 4,5-5 triệu lượt khách năm 2024

Năm 2023, du lịch tỉnh Quảng Bình có bước phục hồi mạnh mẽ các chỉ tiêu đều vượt cao. Trong đó tổng lượng khách đến tỉnh ước đạt hơn 4,5 triệu lượt, gấp 2,14 lần so với cùng kỳ năm 2022; tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt hơn 5.096 tỷ đồng.

Ngành Du lịch tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu trong năm 2024 đón từ 4,5-5 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch hơn 5.650 tỷ đồng.

Trong năm 2024, tỉnh sẽ tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển thêm các sản phẩm du lịch mới như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lịch sử, du lịch cộng đồng để đáp ứng nhu cầu của du khách. Cùng với hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, tỉnh đẩy mạnh phối hợp, kêu gọi các nhà đầu tư, huy động nguồn lực để tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ cho phát triển du lịch.

Đoàn công tác Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tổ chức các hoạt động tri ân tại tỉnh Quảng Trị

Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2023); 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023), sáng 19/12, đoàn công tác Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; thăm, tặng quà các gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Ðường 9; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, đoàn công tác dành phút tưởng niệm, tri ân công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Ðảng, vì độc lập, thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân.

Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao

Theo Quyết định số 339/QÐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mở hướng đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất giống thủy sản công nghệ cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng tôm giống, tiếp tục khẳng định thương hiệu “Tôm giống Ninh Thuận”.

Mục tiêu mà Ninh Thuận đặt ra đến năm 2030 là: 20% cơ sở có quy mô công suất tối thiểu 0,5 tỷ con giống/năm; 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản theo quy định, an toàn dịch bệnh; sản lượng tôm giống hơn 60 tỷ con/năm và 100% tôm giống xuất bán được kiểm dịch đủ điều kiện; Năm 2030 trở thành Trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước.