Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội

NDO -

Để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản được ổn định cần sớm mở cửa hoạt động trở lại các chợ đầu mối sau thực hiện phong tỏa phòng, chống dịch, và cần có giải pháp hỗ trợ, chia sẻ với người tham gia sản xuất. 

Vùng nuôi cá tra tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
Vùng nuôi cá tra tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

Chiều 25/9, tại Đồng Tháp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì hội nghị trực tuyến với các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long và các bộ, ngành liên quan về “Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội”. Hội nghị do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.

Theo Tổng cục Thủy sản, từ tháng 7 đến nay, ngành hàng cá tra đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Việc giãn cách xã hội tại đồng bằng sông Cửu Long đã tác động lớn đến hoạt động thả giống, nuôi, thu hoạch, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Diện tích thả nuôi cá tra mới tính đến ngày 15/9 đạt 3.516 ha (bằng 74,3% so với cùng kỳ 2020). Diện tích thả nuôi trong hai tháng giãn cách xã hội (tháng 7, 8) đã giảm khoảng 50-55% so với các tháng trước khi thực hiện giãn cách. Sản lượng cá tra thu hoạch ước đạt 932 nghìn tấn (bằng 81,1% so cùng kỳ năm 2020).

Do thực hiện giãn cách xã hội nên các nhà máy chế biến giảm công suất chế biến, giảm thu mua nguyên liệu đầu vào. Giá cá tra thương phẩm loại 1 hiện vẫn duy trì ở mức 21-22 nghìn đồng/kg, thấp hơn 500 đồng/kg so với thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội. Tính đến đầu tháng 9, có 52/106 nhà máy chế biến cá tra tại năm tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long phải tạm dừng hoạt động (chiếm tỷ lệ 49%).

Giải pháp phát triển chuỗi cá tra sau giãn cách xã hội -0
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị. 

Để hoạt động sản xuất nuôi trồng thủy sản được ổn định, đại biểu đề nghị sớm mở cửa hoạt động trở lại các chợ đầu mối do thực hiện phong tỏa phục vụ công tác phòng, chống dịch. Cần ưu tiên bổ sung tiêm vaccine đầy đủ cho lao động tham gia trong chuỗi hoặc có cơ chế xã hội hóa trong việc tiêm vaccine để doanh nghiệp chủ động tiêm cho công nhân. Khơi thông ách tắc trong lưu thông, vận chuyển sản phẩm thủy sản, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất. Có giải pháp điều chỉnh giảm giá thức ăn thủy sản để hỗ trợ, chia sẻ với người nuôi trong lúc khó khăn hiện nay.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết, với Đồng Tháp, ngành hàng cá tra là một trong những ngành hàng chủ lực. Tỉnh đã có những cố gắng để chia sẻ, hỗ trợ với doanh nghiệp để cùng vượt khó khăn do dịch Covid-19. Đồng Tháp khi cho doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ, đặc biệt là ngành hàng cá tra thì phải có điều kiện bảo vệ chuỗi sản xuất, do đó tỉnh ưu tiên vaccine ngay từ sớm cho doanh nghiệp.

Đến nay, tỷ lệ nhóm ngành hàng cá tra đang thực hiện 4 tại chỗ trên địa bàn Đồng Tháp phủ vaccine cho công nhân được hơn 90%. Đồng Tháp cũng đã thành lập Ban Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và hoạt động doanh nghiệp, trong đó có ngành hàng cá tra.

“Thời điểm này, tôi cho rằng cần tính toán sao cho an toàn trong quá trình sản xuất của mình và an toàn trong câu chuyện phòng, chống dịch bệnh của từng địa phương. Tinh thần là phải duy trì được các doanh nghiệp hiện nay, tạo thêm điều kiện để các doanh nghiệp khác quay trở lại hoạt động”, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương và doanh nghiệp cần có sự bình tĩnh giải quyết tháo gỡ những vướng mắc do ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời cho đây là dịp để đồng bằng sông Cửu Long thử thách tinh thần liên kết vùng trong hoạt động sản xuất.

Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có vùng nuôi cá tra cùng nhau hợp tác chặt chẽ để thắng lợi vượt qua đại dịch, tạo nên khí thế mới, “đưa con cá tra đi xa hơn”. Bộ không chỉ đồng hành mà còn giữ vai trò điều phối, vận hành để ngành hàng cá tra sớm phục hồi sản xuất.