Tuy nhiên, với sự quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản sẽ là động lực, tín hiệu phục hồi cho ngành thép lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 và đầu năm 2024.
Dấu hiệu khởi sắc
Từ tháng 3/2023 đến nay, giá mặt hàng thép đã có 19 đợt điều chỉnh giảm hơn 14%, hiện mức giá dao động quanh mức 13,7 triệu đồng/tấn, thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Nguyên nhân khiến giá thép trong nước liên tục giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm, số lượng các công trình dân dụng được khởi công còn ít, hoạt động đầu tư công dần được đẩy mạnh nhưng chưa đủ sức giúp thị trường thép tốt hơn. Trong khi đó, các nhà sản xuất trong nước còn phải cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc khi nước này liên tục hạ giá xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong báo cáo vừa công bố của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tháng 9/2023, sản lượng tiêu thụ thép của các doanh nghiệp thành viên ghi nhận mức cao nhất kể từ đầu năm, đạt gần 2,2 triệu tấn, tăng 4,7% so tháng 8 và tăng 9,4% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tiêu thụ thép xây dựng đạt gần 1 triệu tấn, lần lượt tăng 9% và 4%.
Lấy lại đà tăng trưởng cho ngành thép
Tính chung cả quý III/2023, ngành thép Việt Nam tiêu thụ gần 6,5 triệu tấn thành phẩm, tăng 6,3%, riêng xuất khẩu đóng góp hơn 2 triệu tấn, tăng 70% so cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, bán hàng thép thành phẩm của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8%; trong đó xuất khẩu gần 6 triệu tấn, tăng 22,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, cả năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so năm 2021.
Lũy kế 9 tháng năm 2023, bán hàng thép thành phẩm của các doanh nghiệp thành viên VSA đạt gần 19 triệu tấn, giảm 10,8%; trong đó xuất khẩu gần 6 triệu tấn, tăng 22,6% so cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, cả năm 2022, tiêu thụ thép thành phẩm đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so năm 2021.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp ngành thép đang có kết quả kinh doanh và lượng tiêu thụ khả quan.Theo báo cáo tài chính quý III/2023 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), lợi nhuận ròng của HPG đạt khoảng 2.000 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so khoản lỗ 1.800 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Sự phục hồi của lợi nhuận ròng được thúc đẩy nhờ sản lượng tiêu thụ cải thiện, chi phí nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc quản lý hàng tồn kho tốt hơn.
Trong đó, về sản lượng tiêu thụ nhờ mở rộng phát triển các thị trường mới nên đã duy trì được khối lượng xuất khẩu tích cực mặc dù nhu cầu tại một số thị trường phát triển có tín hiệu suy giảm.
Tương tự, tại Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel), sản lượng bán hàng trong tháng 9/2023 đạt hơn 268 nghìn tấn, tăng 8% so tháng 8 và tăng 9% so cùng kỳ. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 204.300 tấn, tăng 23% so tháng 8 và tăng 12% so cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng năm 2023, tiêu thụ thép thành phẩm các loại của VNSteel đạt hơn 2 triệu tấn
Thận trọng với tín hiệu thị trường
Theo nhận định của một số chuyên gia, dự báo, nửa cuối năm 2023, lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép có thể cải thiện so nửa cuối năm ngoái. Trong đó, kỳ vọng sản lượng xuất khẩu thép thành phẩm sẽ ổn định hơn, các doanh nghiệp cũng không phải ghi nhận trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Mặt khác, kênh xuất khẩu có thể vẫn ổn định trong năm tới, nhất là các thị trường trọng điểm sẽ dự kiến tăng trưởng nhẹ.
Thực tế, giá thép đang ở mức thấp trong nhiều năm nên thời gian tới với tín hiệu khởi sắc từ thị trường khi các dự án đầu tư công đang được triển khai đồng loạt, thị trường có khả năng dần phục hồi, song để dự báo phục hồi ở mức độ nào là điều rất khó.
Còn theo VSA, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh toàn cầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong những tháng cuối năm 2023 và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc phục hồi sản xuất-kinh doanh. Ngoài ra, rủi ro tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu.
Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa cho rằng, bối cảnh kinh tế hiện ghi nhận một số điểm sáng về các chính sách tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được Chính phủ và các bộ, ngành ban hành. Cùng với đó là những tín hiệu từ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tăng trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông khi giải ngân vốn đầu tư công tính đến hết tháng 9 đạt 51,38% kế hoạch năm 2023.
Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép cũng chưa nên quá lạc quan do nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch VSA
Theo ông Đa, trong các công trình xây dựng, giá thép chiếm khoảng 30% trong cơ cấu chi phí vật liệu xây dựng cơ sở hạ tầng. Do đó, với sự gia tăng đầu tư công trong những tháng cuối năm sẽ thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ đối với ngành thép nhờ các dự án giao thông như Cao tốc bắc-Nam, các dự án sân bay mới được triển khai và đẩy nhanh tiến độ,...
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp ngành thép cũng chưa nên quá lạc quan do nhu cầu thị trường với các mặt hàng thép trong nước nói chung vẫn yếu, chưa được cải thiện nhiều.
Còn Hiệp hội Thép thế giới (WSA) dự báo nhu cầu thép toàn cầu sẽ đạt tổng cộng 1,81 tỷ tấn vào năm 2023 và tăng lên 1,85 tỷ tấn vào năm 2024. WSA cho biết, lãi suất và chi phí cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến ngành xây dựng. Trong khối ASEAN 5 (gồm các nước Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam), theo WSA, nhu cầu thép sẽ được thúc đẩy bởi nhu cầu trong nước và đầu tư cơ sở hạ tầng bất chấp việc lạm phát và các điều kiện bên ngoài xấu đi. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của khu vực này đã chậm lại đáng kể và đang làm giảm hiệu suất sản xuất.