Lấy lại đà tăng trưởng cho ngành thép

Thị trường thép Việt Nam từ đầu năm đến nay khá ảm đạm do chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi. Tiêu thụ các sản phẩm thép không đạt như kỳ vọng, thậm chí không ít doanh nghiệp ngành thép thua lỗ liên tiếp ba quý, lượng hàng tồn kho ngày một gia tăng. Tuy nhiên, Chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương đang quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, được xem là điểm tựa giúp ngành thép Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát. (Ảnh Danh Lam)
Dây chuyền sản xuất thép tại Công ty cổ phần Thép Hòa Phát. (Ảnh Danh Lam)

Ngoài ra, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm như hiện nay cũng dần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng và cả ngành xây dựng nói chung sẽ trở nên nhộn nhịp hơn.

Sức ép trong tiêu thụ

Từ đầu năm 2023 đến nay, giá thép xây dựng trong nước có khoảng năm đợt tăng giá và sau đó lại quay đầu giảm 12 đợt. Lần điều chỉnh giá gần đây nhất vào ngày 21/6 vừa qua đã tạo lập một mặt bằng giá mới cho thị trường thép trong nước.

Theo đó, giá thép của Tập đoàn VAS giảm sâu khi thép cuộn loại CB240 giảm 510.000 đồng, từ mức 14,36 triệu đồng/tấn xuống còn 13,85 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 250.000 đồng, hiện có giá 14,01 triệu đồng/tấn; nhãn hiệu thép Việt Đức, sản phẩm thép cuộn CB240 hiện chỉ ở mức 13,84 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá 14,34 triệu đồng/tấn.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tính đến hết tháng 5/2023, sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp thành viên VSA mới đạt sản lượng hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8%; tiêu thụ thép thành phẩm cũng chỉ đạt 10,409 triệu tấn, giảm 19,3% so cùng kỳ.

Tại một số thị trường xuất khẩu thép truyền thống như Mỹ, châu Âu đều đang gặp khó khăn về kinh tế, cùng những bất ổn về chính trị trên thế giới khiến xuất khẩu thép cũng chỉ đạt 3,154 triệu tấn, tăng khiêm tốn 2,6% so cùng kỳ.

Dù giá giảm sâu, nhưng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu chậm lại, càng khiến lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp tăng cao, nhiều nhà máy sản xuất thép phải thực hiện tiết giảm sản xuất. Đồng thời, áp lực siết chặt tín dụng của phía ngân hàng cũng như thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn kéo dài, tâm lý thận trọng của khách hàng trước các dự báo về suy thoái kinh tế toàn cầu cũng gây sức ép đối với các doanh nghiệp bất động sản nói chung và các doanh nghiệp vật liệu xây dựng nói riêng, trong đó có ngành thép.

Từ đầu năm đến nay, các đại lý bán thép đều gặp tình trạng ảm đạm chung, tiêu thụ không mấy khả quan. Nhiều nhà thầu nhỏ lẻ lấy ít hàng, chỉ đủ dùng tạm trong giai đoạn ngắn, mong giá cả tiếp tục giảm thêm. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất thép rơi vào thế “gọng kìm”, vừa phải giải được bài toán tiết giảm chi phí đầu vào nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh, mặt khác là cải thiện năng lực tiêu thụ đầu ra.

Báo cáo tài chính của Tập đoàn Hòa Phát cho thấy, trong quý I/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu đạt 26.865 tỷ đồng, giảm 39%; lợi nhuận ròng đạt 383 tỷ đồng, giảm 95% so cùng kỳ với lượng hàng tồn kho chiếm 19% tổng tài sản. Tương tự, theo báo cáo tài chính quý I/2023 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), doanh thu thuần của đơn vị chỉ đạt 2.445 tỷ đồng, giảm 35% so cùng kỳ.

Khấu trừ chi phí, lợi nhuận gộp của công ty giảm 60% xuống chỉ còn 56 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp cũng giảm từ 3,7% xuống còn 2,3%. Dù tiết giảm mạnh chi phí doanh nghiệp, song chi phí tài chính của doanh nghiệp vẫn tăng 50% lên 42 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh âm 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương 42 tỷ đồng. Lượng hàng tồn kho của Tisco cũng tăng 21% so với thời điểm đầu năm, ở mức 2.132 tỷ đồng, chiếm hơn 73% tài sản ngắn hạn của Tisco.

Tạo thêm động lực phát triển

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo cho rằng, các doanh nghiệp ngành thép đã trải qua thời điểm rất khó khăn, sụt giảm mạnh nhất trong giai đoạn phát triển sau này của ngành thép. Tuy quý I/2023, sức tiêu thụ của thị trường nhìn chung có chút khả quan và được hỗ trợ bởi xu hướng giá tăng, nhưng ngay sau đó, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Các doanh nghiệp ngành thép đã trải qua thời điểm rất khó khăn, sụt giảm mạnh nhất trong giai đoạn phát triển sau này của ngành thép. Tuy quý I/2023, sức tiêu thụ của thị trường nhìn chung có chút khả quan và được hỗ trợ bởi xu hướng giá tăng, nhưng ngay sau đó, thị trường quay đầu sụt giảm mạnh cả về sản lượng tiêu thụ và giá bán.

Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo

Nguyên nhân tác động chính của việc sụt giảm trong ngành thép thời gian qua do nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thép trong nước thấp, ảnh hưởng mạnh từ việc thị trường bất động sản “đóng băng”… Cùng với đó, sức mua của thị trường xây dựng dân dụng cũng yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm đang trở thành rào cản đối với tăng trưởng ngành thép sáu tháng đầu năm. Bên cạnh đó, diễn biến đi xuống của giá nguyên liệu đầu vào cũng là một trong những yếu tố buộc các nhà sản xuất điều chỉnh giảm giá bán thép xây dựng khiến lợi nhuận giảm theo.

Theo đại diện VSA, với thị trường thép trong nước hiện nay, để tăng tiêu thụ và đưa các doanh nghiệp trong ngành trở lại “đường đua”, chặng đường trước mắt còn khá gian nan và vẫn còn nhiều việc phải làm. Trong đó, cần nhanh chóng tháo gỡ các rào cản đến từ thị trường bất động sản do đây là lĩnh vực chiếm khoảng 60-65% nhu cầu tiêu thụ toàn ngành thép.

Dự báo lượng tiêu thụ thép trong những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng mạnh nhờ loạt yếu tố về giải ngân vốn đầu tư công và chính sách thúc đẩy nhà ở xã hội, nhất là những công trình lớn như sân bay Long Thành hay các dự án hạ tầng giao thông... sẽ là động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các bên liên quan cần tiếp tục ưu tiên hạ lãi suất và cho vay với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất; liên tục cập nhật thông tin, cảnh báo kịp thời, tư vấn cho doanh nghiệp ngành thép về biện pháp ứng phó với rào cản thương mại từ các nước; đồng thời, tăng cường công tác giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc đầu cơ, gian lận thương mại... trên thị trường thép.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu thép và giá thép có thể tăng trở lại trong tháng 8, 9 tới đây khi đầu tư công được đẩy mạnh và tác động lan tỏa đối với các ngành sản xuất, nhưng đà tăng có thể khiêm tốn.

Vì vậy, các doanh nghiệp ngành thép cần tiếp tục bám sát thị trường, dự báo cung cầu để tận dụng cơ hội, tiết giảm chi phí hạ giá thành sản phẩm, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, sự quan tâm vào cuộc của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc khơi thông các chính sách hỗ trợ rất cần thiết, tạo động lực tăng trưởng kinh tế-xã hội, từ đó “tiếp lửa” cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, trong đó có ngành thép giải bài toán nhu cầu tiêu thụ, lấy lại đà phát triển trong bối cảnh còn nhiều thách thức bủa vây.

Dự báo nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 đạt 1,82 tỷ tấn

Hiệp hội Thép thế giới (Worldsteel) mới đây đã điều chỉnh tăng dự báo nhu cầu thép toàn cầu năm 2023 lên mức 1,82 tỷ tấn, tăng 2,3% so với dự báo tăng trưởng 1% được đưa ra vào tháng 10/2022. Năm 2024, nhu cầu sẽ tăng 1,7% so cùng kỳ, ước đạt 1,85 tỷ tấn.