Rà soát để điều chuyển vốn sớm sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn
Chiều 31/10, tham gia thảo luận ở hội trường về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (đoàn Hưng Yên) nhận định, 9 tháng đầu năm 2023, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội nước ta còn nhiều khó khăn, thách thức như trong báo cáo của Chính phủ đã đề cập.
Theo đó, 3 động lực tăng trưởng đều chưa đạt kỳ vọng, giải ngân vốn đầu tư công đạt được kết quả tích cực nhưng chưa có nhiều đột phá và chưa thực hiện được vai trò nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặc dù có nhiều cố gắng, song tiến độ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia và tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia vẫn chậm so với yêu cầu đề ra…
Để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề xuất kiến nghị một số giải pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng tổng cầu của nền kinh tế”, đại biểu Thắng nói.
Vốn đầu tư công là nguồn lực, là động lực để phát triển kinh tế-xã hội, vì vậy để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao nhất của năm 2023, đầu tư công cần bung ra mạnh mẽ hơn nữa để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tăng tổng cầu của nền kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Đại Thắng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đại biểu đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành địa phương có giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ những khó khăn, điểm nghẽn, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư, giải ngân; rà soát, đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư công và có chế tài cụ thể, xác định rõ quyền, trách nhiệm của cơ quan giám sát để kịp thời ngăn chặn các khoản đầu tư vào các dự án không hiệu quả, chưa cần thiết và gây lãng phí.
Ngoài ra, chủ động rà soát để điều chuyển vốn sớm ngay từ đầu năm theo thẩm quyền từ các dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, khi có tiền xác định rõ nguồn vốn mới được lập dự án đầu tư nên cần phải mất một thời gian chuẩn bị đầu tư dự án mới có thể giải ngân được.
“Đây là một trong những vướng mắc, điểm nghẽn, là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc triển khai vốn đầu tư công gặp khó khăn, chậm tiến độ”, đại biểu Thắng nhận định. Vì vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành liên quan có giải pháp để tháo gỡ, kịp thời bố trí nguồn ngân sách để lập dự án đầu tư, bảo đảm khi được bố trí vốn đầu tư, việc triển khai thực hiện dự án thuận lợi và giải ngân được ngay.
“Bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” phù hợp để hoàn thành các mục tiêu kinh tế
Phát biểu ý kiến, đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) cho biết, trong bối cảnh nhiều khó khăn, tình hình kinh tế-xã hội nước ta trong năm 2023 tiếp tục đà phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Đây là thành tựu không thể phủ nhận, tạo đà phát triển cho đất nước trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu chỉ ra rằng, 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt yêu cầu đều ở lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình sức khỏe của nền kinh tế nước ta hiện nay đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Ngoài ra, các gói chính sách của chương trình phục hồi, phát triển kinh tế chưa thành công, chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.
Đại biểu Trần Chí Cường (đoàn Đà Nẵng) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo đại biểu, trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế có nhiều biến động khó lường, nhiều yếu tố rủi ro, đại biểu cho rằng có nhiều khó khăn thách thức trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm tới.
Đại biểu Cường cho rằng, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, “bắt mạch, chẩn bệnh, kê đơn” cho phù hợp, có những chính sách, biện pháp đủ mạnh, bảo đảm tính khả thi hoàn thành các mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến tháng 9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022.
Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại.
Cơ chế cho vay phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Thị trường vốn, thị trường cổ phiếu có dấu hiệu không ổn định. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% một năm với gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng không khả thi, chỉ giải ngân được rất ít (đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95%).
Đại biểu nhận định, việc doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, nhất là các doanh nghiệp bất động sản, có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng, thị trường bất động sản gần như bị đóng băng, kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế.
“Do đó, khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại”, đại biểu đoàn Đà Nẵng nói và đề nghị Chính phủ cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh đóng góp cho phát triển kinh tế, thúc đẩy sự phục hồi.