Trước những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) với chiến lược tăng trưởng xanh, ngành thép cần sớm có những biện pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, ít phát thải, thích ứng và bảo vệ môi trường.
Cơ hội "lột xác"
Với sản lượng thép thô đạt hơn 20 triệu tấn/năm, Việt Nam là nước sản xuất thép thô lớn thứ 13 trên thế giới, đứng đầu ASEAN về sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm. Cùng với ngành hóa chất và xi-măng, ngành thép là một trong ba ngành công nghiệp có mức phát thải lớn nhất trên thế giới.
Do đó, để đạt được mục tiêu cam kết phát thải carbon bằng "0" vào năm 2050 thật sự là một thách thức lớn đối với ngành thép Việt Nam, nếu các doanh nghiệp sản xuất thép không hướng tới chiến lược tăng trưởng xanh, hiện đại hóa để trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại, tiên tiến.
Mặc dù vậy, theo Chủ tịch VSA Nghiêm Xuân Đa, trước áp lực "xanh hóa" của nền công nghiệp toàn cầu thì đây lại là cơ hội để ngành thép Việt Nam "lột xác" để hiện đại hóa, trở thành một ngành có trình độ công nghệ hiện đại, tiên tiến và phát triển bền vững. Bởi theo ông Đa, tuy có mức phát thải cao, nhưng xét về lý thuyết, ngành thép còn nhiều tiềm năng để giảm phát thải thông qua áp dụng công nghệ mới khi sử dụng năng lượng hydro, lò nung điện tái tạo, công nghệ thu giữ carbon,…
Từ tiềm năng đó, ngành thép Việt Nam phải triển khai nhiều dự án, chương trình, phối hợp với các tổ chức phát triển và cơ quan quản lý nhà nước để xác định phương hướng tăng trưởng xanh trong tương lai. Mặt khác, tuy các doanh nghiệp ngành thép đã có nhiều nỗ lực và áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm tác động tiêu cực đến môi trường, nhưng phần lớn doanh nghiệp trong ngành vẫn chưa có đầy đủ năng lực cả về nhận thức, kinh nghiệm lẫn nguồn lực công nghệ, thiết bị, nhất là tài chính để triển khai thực hiện.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Phạm Công Thảo cho biết: Nhận thức rõ ngành thép chiếm một lượng đáng kể trong việc phát thải, VNSTEEL đã xây dựng một chiến lược lâu dài để thích nghi, ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa việc phát thải CO2. Hiện nay, 82% sản lượng thép thô của hệ thống được nung từ lò điện và 18% từ lò cao, tập trung vào khâu hạ nguồn của công đoạn sản xuất (sau luyện thép) cho nên lượng phát thải ra môi trường của VNSTEEL không cao hơn so với bình quân của các doanh nghiệp ngành thép (phát thải carbon trong ngành thép chủ yếu ở giai đoạn thượng nguồn-luyện thép từ thép phế, quặng thành phôi thép).
Đại diện của VNSTEEL cũng nhấn mạnh: Mục tiêu đến năm 2025, phát thải carbon ra môi trường của VNSTEEL sẽ giảm 5-10% và năm 2023 giảm 20-30%. Đồng thời, tập trung vào tối ưu hóa vận hành, nâng cao hiệu suất hoạt động và sử dụng năng lượng một cách hiệu quả trong cả cán thép và luyện gang-thép.
Chính phủ hỗ trợ, đồng hành
Trên thế giới đã có nhiều sáng kiến, giải pháp được ghi nhận như: Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp,… nhằm hiện thực hóa các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, cùng các khung pháp lý và thỏa thuận toàn cầu để định hướng lộ trình hành động vì khí hậu.
Đáng chú ý, vào ngày 1/10, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ được Liên minh châu Âu (EU) thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp và thực hiện đầy đủ từ năm 2026 nhằm hạn chế phát thải carbon ra môi trường, dựa trên vết carbon sản phẩm trong quá trình sản xuất,… Điều này sẽ tác động mạnh đến thép xuất khẩu của Việt Nam khi phải đối mặt với mức thuế carbon rất cao.
Việc chuyển đổi sản xuất thép từ thép xám sang thép xanh là xu thế không thể dừng lại và không nằm ngoài chủ trương phát triển ngành công nghiệp Việt Nam. Do đó, theo chia sẻ của Giám đốc kinh doanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn SMS Pino Tese, một trong những công nghệ sản xuất thép xanh hiện nay là sản xuất từ hydrogen nhằm khử hóa carbon. Công nghệ này đã có sẵn trên thế giới, nhưng doanh nghiệp cần phải cân nhắc nguồn điện đầu vào "xanh" để sản xuất hydrogen.
Bên cạnh việc sử dụng các nguồn nguyên liệu đầu vào "xanh" như điện tái tạo, sản xuất bằng hydrogen thì cần cân nhắc sử dụng lò hồ quang điện để sản xuất thép bằng điện thay cho loại lò cao sử dụng than, giảm đến mức thấp nhất việc sử dụng các nguyên liệu hóa thạch gây ô nhiễm môi trường (cứ hai tấn than dùng để sản xuất thép sẽ tạo ra một tấn CO2). Tuy nhiên, người tiêu dùng tại châu Á-Thái Bình Dương chưa sẵn sàng bỏ thêm chi phí sử dụng các sản phẩm được sản xuất từ thép xanh do có giá thành cao hơn.
Thực tế, giữa thép xanh và thép xám đang có sự chênh lệch lớn về giá thành. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của doanh nghiệp tiêu thụ. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp mong muốn trong công cuộc chuyển đổi xanh này, Chính phủ có những chính sách ưu tiên, hỗ trợ trong quá trình giảm phát thải để hướng tới mục tiêu phát triển xanh, bền vững; giúp doanh nghiệp sản xuất thép cung ứng sản phẩm thép xanh giá thành phù hợp mặt bằng thị trường. Vẫn biết bất cứ sự chuyển đổi nào ban đầu cũng sẽ có khó khăn, nhưng sự chung tay, chia sẻ của Chính phủ sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy tiến trình giảm phát thải của Việt Nam cũng như toàn cầu, vì mục tiêu chung mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội.
Do vậy, để đạt được mục tiêu phát thải ròng carbon bằng "0" vào năm 2050, ngành thép cần xây dựng nhiệm vụ, lộ trình cụ thể trong thực hiện cắt giảm khí thải ngành thép. Để làm được thép xanh chắc chắn còn cả một chặng đường dài phía trước, đòi hỏi nguồn lực lớn cả về con người cũng như công nghệ, tài chính.
Nhưng trước mắt, doanh nghiệp thép cần có sự chủ động về thông tin, chính sách, từ đó điều chỉnh, chuẩn hóa trong quản trị năng lượng và giảm dần phát thải trong sản xuất. Đây là việc các doanh nghiệp có thể làm ngay, hoàn toàn không tốn kém.