Theo báo cáo 5 tháng đầu năm của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), từ đầu năm đến nay, thị trường thép tiếp tục đà suy giảm, dấu hiệu phục hồi tuy có nhưng chưa rõ rệt. Lượng tiêu thụ các sản phẩm thép của doanh nghiệp sản xuất trong nước không như kỳ vọng bởi chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố bất lợi khi lĩnh vực bất động sản chiếm tới 60% lượng tiêu thụ thép trong nước nhưng hiện đang gặp khó khăn do khó tiếp cận nguồn vốn mới, rủi ro pháp lý vẫn hiện hữu. Cùng với đó, sức mua của thị trường xây dựng dân dụng cũng yếu trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm đang là rào cản lớn cho tăng trưởng ngành thép trong năm 2023.
Tính đến hết tháng 5/2023, sản xuất thép thành phẩm của các doanh nghiệp thành viên VSA mới đạt sản lượng hơn 11 triệu tấn, giảm 21,8% so với cùng kỳ năm 2022; tiêu thụ thép thành phẩm cũng chỉ đạt 10,409 triệu tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. Tại một số thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu đều đang gặp khó khăn về kinh tế, cùng những bất ổn về chính trị trên thế giới khiến xuất khẩu thép chỉ đạt 3,154 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Vì thế mà lượng hàng tồn kho tại các doanh nghiệp càng tăng cao, nhiều nhà máy sản xuất thép phải thực hiện tiết giảm sản lượng. Ðáng chú ý, hiện giá nguyên liệu thép vẫn ở mức cao, làm tăng chi phí sản xuất, nhưng giá thép thành phẩm liên tục điều chỉnh giảm, khiến cho biên lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm; nhiều doanh nghiệp còn gánh nặng về lãi vay ngân hàng, thua lỗ do chênh lệch tỷ giá từ nguồn nguyên liệu nhập khẩu tăng cao,…
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng một số chuyên gia ngành thép vẫn lạc quan, sẽ có nhiều thuận lợi trong những tháng cuối năm khi người dân xây dựng, tu sửa nhà mới; hay đầu tư công sẽ tăng tốc giải ngân, các dự án bất động sản cũng cố gắng hoàn thành để giao cho người mua nhà trước Tết Nguyên đán năm 2024.
Hiện với những giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Tập trung giải ngân vốn đầu tư công và triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản,... đang được thực hiện quyết liệt, kỳ vọng sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất thép có thể dần lấy lại đà khởi sắc, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm nay. Ngoài ra, theo dự báo, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm như hiện nay cũng dần tạo điều kiện cho ngành xây dựng trở nên nhộn nhịp hơn.
Hơn hết, nếu các doanh nghiệp biết tập trung phát huy nội lực, tìm kiếm những giải pháp để duy trì, quản lý hiệu quả các loại chi phí, quản trị hàng tồn kho tốt cùng với chiến lược bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường,… chắc chắn ngành thép Việt Nam sẽ có cửa sáng vượt khó.