Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội

NDO - Ngày 16/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Tín dụng chính sách xã hội với vấn đề thực hiện và bảo đảm an sinh xã hội”.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội thảo.
Quang cảnh Hội thảo.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc và đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động có nhiều ý nghĩa góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về: “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới.

Tín dụng chính sách xã hội là chủ trương độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, trở thành một “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo, bảo đảm an sinh và an ninh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trong tiến trình đổi mới, thể hiện nổi bật tính ưu việt của chế độ ta.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 1

Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo.

Đặc biệt, Hội thảo còn nhằm phục vụ tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; đề xuất những kiến nghị nhằm tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn tới.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 2

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu khai mạc Hội thảo.

Đến nay tín dụng xã hội đã được triển khai rộng rãi, sáng tạo, có hiệu quả trên toàn quốc, thật sự đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả thiết thực, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương

Trong nhiều năm qua, nguồn vốn vay tín dụng chính sách đã mang lại sinh kế, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy bình đẳng giới, đồng thời góp phần ngăn chặn các tệ nạn cho vay nặng lãi, tín dụng “đen”, giúp bảo đảm an sinh, trật tự và an toàn xã hội tại các địa phương, nhất là ở những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

“Với chức năng bổ sung cho nhau, tín dụng chính sách và tín dụng thương mại là hai kênh tài chính song hành mang đặc trưng riêng có của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần vừa thực hiện mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa thực hiện các mục tiêu về phát triển xã hội, nổi bật nhất là đưa tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam từ mức gần 60% trong những năm 1990 xuống còn 4,3% năm 2022 (theo chuẩn nghèo đa chiều)”, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 4

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng phát biểu tại Hội thảo.

Nhìn lại hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 20 năm qua, đặc biệt là 9 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Dương Quyết Thắng cho biết: Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng: huy động được nguồn vốn lớn, đa dạng; đáp ứng nhu cầu vay vốn của đông đảo người nghèo và các đối tượng chính sách khác ở 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới..., góp phần tạo việc làm, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

Đến hết 31/7/2023, tổng nguồn vốn đạt 324.753, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 305.145 tỷ đồng, tăng 296.514 tỷ đồng so thời điểm nhận bàn giao (gấp 35 lần), với hơn 6,6 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt khoảng 19%/năm.

Cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách xã hội tiếp tục được củng cố và nâng cao, đến ngày 31/7/2023, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh là 1.889 tỷ đồng, bằng 0,62%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn 532 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,17%/tổng dư nợ.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 5

Tọa đàm giữa các đại biểu tại Hội thảo.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cũng đánh giá: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phát huy vai trò tập hợp lực lượng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác; tập trung huy động các nguồn lực cho Quỹ “Vì người nghèo” các cấp và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cũng tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với quá trình tổ chức, triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Trên cơ sở đó, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội kịp thời nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các bộ, ngành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế-xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia trong từng thời kỳ.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 6

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Trong khi đó, từ góc độ thực hiện nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc trực tiếp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra một yếu tố quan trọng giúp tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong những năm qua. Đó là việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW song hành với công tác giám sát thường xuyên.

Chính từ sự giám sát này và kết quả sơ kết 5 năm triển khai cho thấy một số hạn chế, khó khăn trong triển khai. Từ đó, Ban Kinh tế Trung ương đã kiến nghị Ban Bí thư ban hành Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW trong đó chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền cần xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030;...

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 7

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các ý kiến phát biểu, các bài tham luận tâm huyết, tinh thần khoa học và trách nhiệm cao của các đại biểu, nhà khoa học.

Các tham luận đã bám sát, tập trung phân tích và làm rõ quá trình hiện thực hóa tầm nhìn của Đảng về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh", Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách trợ giúp người dân, trong đó, tín dụng chính sách xã hội trở thành một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong hệ thống chính sách giảm nghèo.

Tín dụng chính sách xã hội với việc bảo đảm an sinh xã hội ảnh 8

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài viết của các tác giả.

Các tham luận cũng đánh giá toàn diện, sâu sắc những kết quả đạt được trong hơn 20 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đặc biệt từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Qua đó, tiếp tục khẳng định định hướng lớn, lâu dài, chủ trương nhất quán của Đảng trong việc phát triển kinh tế gắn với thực hiện mục tiêu giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, làm rõ mô hình tổ chức, bộ máy quản trị, điều hành của Ngân hàng Chính sách xã hội, qua đó khẳng định: Đây là mô hình mới, sáng tạo và chưa có tiền lệ, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Trên cơ sở thực trạng hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua, Hội thảo đã tập trung phân tích, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn cho những đề xuất giải pháp nhằm đưa hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội lên một tầm cao mới, trợ giúp tốt hơn cho các đối tượng chính sách...