Đoàn giám sát đã ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất như: nâng mức cho vay tối đa chương trình tín dụng nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; mở rộng đối tượng vay vốn đối với hộ có mức sống thu nhập trung bình ở nông thôn; bổ sung nguồn vốn giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người lao động; có chế độ phụ cấp đối với trưởng thôn trong thực hiện quản lý, theo dõi tín dụng chính sách xã hội.
Qua giám sát cho thấy, việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội ở cơ sở.
Ở xã Yên Đồng, từ năm 2014-2022, đã có 2.560 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay hơn 147 tỷ đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội; trên địa bàn đang thực hiện 10 chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Đoàn giám sát làm việc tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã Yên Đồng, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: TRƯỜNG GIANG) |
Nhiều hộ dân đầu tư giống mới vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập của gia đình, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.