Tín dụng chính sách xã hội “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”

NDO - Chiều 15/8, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng tổ chức Hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/1/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả vốn vay tại hộ vay vốn ở xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.
Cán bộ tín dụng chính sách kiểm tra hiệu quả vốn vay tại hộ vay vốn ở xã Quang Long, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng; đồng chí Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách-Xã hội Việt Nam dự hội nghị.

Báo cáo trình bày tại Hội nghị nêu rõ, 20 năm qua, với phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách-Xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã nhanh chóng và kịp thời đưa vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng, tiết giảm chi phí quản lý.

Đến ngày 30/6/2022, tổng dư nợ cho vay các chương trình hơn 3.200 tỷ đồng, với 56.424 khách hàng dư nợ, bình quân dư nợ 57 triệu đồng/khách hàng, tỷ lệ nợ xấu 0,1%.

Nguồn vốn vay đã được sử dụng đúng mục đích để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đồng bào các dân tộc địa phương.

Lũy kế trong 20 năm, Ngân hàng Chính sách-Xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã cho 421 nghìn lượt hộ vay vốn, với tổng doanh số cho vay 9.750 tỷ đồng, doanh số thu nợ 6.518 tỷ đồng.

Để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng, Ngân hàng Chính sách-Xã hội Việt Nam chi nhánh tỉnh Cao Bằng đã tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong bình xét, lựa chọn đối tượng cho vay và giám sát người vay sử dụng vốn đúng mục đích.

Ngân hàng cũng tổ chức điểm giao dịch định kỳ hằng tháng tại 161/161 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, tạo thuận lợi cho khách hàng.

Ngoài nguồn vốn được ủy thác từ Trung ương, đơn vị cũng đã huy động được gần 530 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân và vốn ủy thác của địa phương. Qua đó, nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng chục nghìn gia đình tại địa phương đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, trồng rừng, phát triển chăn nuôi, sửa chữa, làm mới nhà ở, đi xuất khẩu lao động... thoát nghèo bền vững và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, tỉnh Cao Bằng đề nghị, Trung ương cho phép kéo dài thời gian vay vốn đối với hộ mới thoát nghèo từ 3 năm lên 5 năm để các hộ có nguồn vốn ổn định, đầu tư sản xuất, thoát nghèo bền vững.

Chương trình cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, kéo dài thời gian vay từ 5 năm lên 10 năm để phù hợp với hộ đầu tư các loại cây trồng, vật nuôi có thời gian sinh trưởng dài, như trồng rừng, trồng cây ăn quả. Đối với chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn, nâng hạn mức cho vay từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/hộ.

Bổ sung đối tượng vay vốn tín dụng chính sách đối với hộ trung bình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, giúp các hộ có nguồn vốn đầu tư nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Trung Thảo khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo thoát nghèo bền vững, giúp nhiều người được giải quyết việc làm.

Tín dụng chính sách cũng tiếp bước, hỗ trợ học sinh đến giảng đường đại học, cao đẳng, học nghề. Tín dụng chính sách là công cụ hữu hiệu, quan trọng thực hiện chính sách an sinh xã hội, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Dịp này, UBND tỉnh Cao Bằng đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể và 20 cá nhân có thành tích trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách xã hội.