Huyện Gio Linh luôn phát triển mạnh về tam nông, nhất là nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản.
Hằng năm, sản lượng khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản của Gio Linh tập trung vào 5 xã ven biển đã chiếm hơn 50% tổng sản lượng của tỉnh Quảng Trị. 5 xã vùng biển huyện Gio Linh kéo dài từ vùng nam Cửa Tùng đến bắc Cửa Việt luôn sôi động, tràn đầy sức sống.
Trên từng thôn xóm, khu phố nhiều nhà xây cao tầng được mọc lên từ những giọt mồ hôi, công sức lao động nhọc nhằn của ngư dân vùng biển.
Chị Hồ Thị Thẩn ở khu phố 5, thị trấn Cửa Việt ngồi trong ngôi nhà khang trang nhớ lại thuở ban đầu được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay 50 triệu đồng để mua thêm lưới phục vụ nghề đánh bắt cá thu, cá ngừ cho tàu đánh bắt xa bờ của gia đình.
Nhờ đồng vốn này, gia đình chị đã mở rộng nghề khai thác biển đến những ngư trường xa bờ. Chồng của chị là anh Hoàng Hải thời gian theo tàu đánh bắt cá ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa nhiều hơn ở nhà. Mỗi chuyến đi biển tàu của anh chị giải quyết việc làm cho 10 lao động.
Hôm vừa ra Tết Giáp Thìn, tàu của gia đình anh chị trúng đến 3 tấn cá ngừ, bán hơn 400 triệu đồng, mỗi lao động được chia hơn 10 triệu đồng.
Chị Thẩn cho biết, nhờ làm ăn thuận lợi, nguồn vốn vay lần trước chị đã trả đúng hạn, dịp này chị đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho vay thêm 100 triệu đồng để mở rộng thêm nghề đánh bắt cá thu, cá ngừ.
Hôm chúng tôi có mặt, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của khu phố 5 đang tư vấn cho chị làm hồ sơ để trình ngân hàng kịp giải ngân.
Đàn ông đi khai thác biển, phụ nữ ở nhà đan, vá lưới chuẩn bị cho chuyến đi biển tiếp theo. |
Đồng vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp cho nhiều ngư dân ở các xã ven biển huyện Gio Linh thực sự thay đổi cuộc sống ngày càng tích cực hơn.
Chị Hồ Thị Nhàn ở thôn 5, xã Gio Hải 2 lần vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh 100 triệu đồng để nuôi tôm thẻ chân trắng, trong đó lần vay gần nhất chị sử dụng vốn đầu tư nâng cấp hồ.
Gia đình chị nuôi 2 hồ tôm, mỗi năm 3 vụ. Trung bình mỗi vụ thu hoạch từ 3,5 đến 4 tấn/hồ. Sau khi trừ các chi phí chị thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm. Ngôi nhà gia đình chị sinh sống khang trang, đầy đủ tiện nghi, nhìn vào ai cũng thán phục.
“Khi khó khăn, Ngân hàng Chính sách xã hội đã kịp thời đến với ngư dân cho vay vốn. Nhờ đồng vốn ban đầu đã giúp gia đình tôi từng bước vượt qua khó khăn, có thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống. Tôi rất biết ơn Ngân hàng Chính sách xã hội”, chị Nhàn chia sẻ.
Sự hỗ trợ kịp thời từ các nguồn vốn chính sách xã hội, nhiều ngư dân vùng biển Gio Linh đã mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, đánh bắt, chế biến thủy hải sản. Các cơ sở sản xuất, chế biến ngày càng mọc lên, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Cơ sở thu mua chế biến hải sản của anh Lê Hảo ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt đi vào hoạt động gần 10 năm trước. Khi mới thành lập, do thiếu vốn đầu tư nhà xưởng nên cơ sở chỉ sản xuất nhỏ lẻ. Sau đó, để có thêm nguồn vốn mở rộng cơ sở, anh Hảo đã vay 100 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh.
Anh Hảo chia sẻ, nếu không được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ tín dụng chính sách xã hội mà vay bên ngoài thì lãi suất cao, lợi nhuận cũng không đủ để thanh toán tiền lãi. Việc Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nhanh chóng, kịp thời, giúp anh có thêm nguồn vốn thuận lợi trong thanh toán các khoản tiền cho chủ tàu thuyền khai thác hải sản cũng như trả lương cho lao động. Hiện tại việc kinh doanh phát triển khá tốt, cơ sở của anh giải quyết việc làm ổn định cho 10 lao động mỗi ngày, lúc cao điểm đến 30 lao động với thu nhập ổn định.
Bà Trương Thị Thỏa, Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh cho biết, thời gian qua, 5 xã vùng biển của huyện Gio Linh đã được ngân hàng cho vay vốn tín dụng chính sách phát triển kinh tế, xã hội, trong đó đáng chú ý phục vụ mua sắm, cải hoán tàu thuyền, ngư lưới cụ để khai thác, nuôi trồng thủy hải sản...
Đến nay, ngân hàng đã giải ngân hơn 83 tỷ đồng cho 5 chương trình tín dụng, gồm: cho vay giải quyết việc làm; cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn; cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Vốn vay qua Ngân hàng Chính sách xã hội giúp tạo việc làm cho hàng nghìn lao động vùng biển, phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu nguồn vốn vay phục vụ nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy hải sản đã phát huy hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, nhất là lao động nữ.
Nhiều chủ tàu vay vốn tổ chức đánh bắt tốt, giúp thu hồi vốn nhanh. Nguồn vốn tín dụng đã tạo ra cho các xã ven biển Gio Linh nhiều mô hình kinh tế phù hợp, có doanh thu cao, nhiều ngôi nhà mới của ngư dân được xây dựng khang trang góp phần làm cho bộ mặt nông thôn huyện Gio Linh thực sự khởi sắc, giúp cho hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách vươn lên thoát nghèo bền vững.
Cán bộ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh kiểm tra hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay của chị Hồ Thị Nhàn ở thôn 5, xã Gio Hải. |
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Võ Đắc Hóa cho biết, huyện có thế mạnh nhất trong tỉnh về phát triển kinh tế biển. Để tập trung khai thác, đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản hiệu quả, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có nghị quyết về phát triển kinh tế, xã hội vùng cát ven biển cho 5 xã Trung Giang, Gio Hải, Gio Việt, Gio Mai và thị trấn Cửa Việt.
Trong đó xác định việc đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản và phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá là nội dung quan trọng.
Để hiện thực hóa nghị quyết này vào cuộc sống rất cần hỗ trợ vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn các xã ven biển. Vốn tín dụng chính sách là nguồn lực giúp cho nông dân thoát nghèo, đời sống người dân ngày càng tốt hơn.
Thúc đẩy tín dụng đối khu vực nông thôn luôn mang lại hiệu quả khi có những sản phẩm phù hợp nhu cầu của khách hàng như Ngân hàng Chính sách xã hội đang làm.
Vì vậy, đề nghị Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Gio Linh triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chương trình tín dụng, nhất là tín dụng thúc đẩy phát triển khai thác và nuôi trồng, chế biến thủy hải sản, không ngừng nâng cao giá trị thủy, hải sản của Gio Linh, nơi được xem là có nguồn đặc sản biển nổi tiếng.